(HNM) - Đầu năm 2011, tuyến đường đê sông Hồng từ Long Biên, Đa Tốn, Thạch Bàn, Cự Khối... đến Bát Tràng vốn đầy ổ voi, ổ trâu, luôn bụi mù đất cát trước đây đã được bê tông hóa với chiều rộng mặt đường 6m.
Một bên bờ kè được lát gạch tạo vỉa hè cho người đi bộ, thành đê phía sông Hồng được đổ bê tông cao 1,5m, tạo sự an toàn giữa đường bộ và đường đê. Một bên được san phẳng, cắm cột mốc chỉ giới giao thông và hệ thống đèn chiếu sáng. Khách du lịch trước kia thường phải đi mất gần một giờ đồng hồ từ trung tâm Hà Nội đến với làng nghề gốm sứ Bát Tràng, thì nay thời gian đi đường chỉ còn 15 phút.
Vỉa hè vỡ nát hoàn toàn. |
Thế nhưng, chỉ chưa đầy một năm sau khi đưa vào lưu thông, phần lớn vỉa hè của tuyến đường dài 10km này đã bị bong mất phần bó vỉa hè. Từng khối bê tông lớn bị bong tróc, vứt chỏng trơ. Theo quan sát của chúng tôi, những đoạn vỉa hè bị vỡ, hỏng nhiều, tập trung chủ yếu trên địa bàn phường Cự Khối, là đoạn đường có nhiều khúc "cua tay áo". Nhiều điểm, những mảng bê tông vỡ đã bám đầy bùn đất và mọc rêu, cỏ dại chứng tỏ thời gian bị hỏng đã lâu mà không được sửa chữa. Phần đường bên kia, hàng chục cột mốc giao thông bị đổ nằm bên vệ đường. Rồi điểm dừng xe buýt trên địa bàn phường Cự Khối được bố trí nhiều ghế đá cho khách ngồi chờ, nhưng lại luôn ngập trong bùn, đất. Mặc dù đường đã được mở rộng, cho phép phương tiện giao thông lưu thông với tốc độ cao, song người dân địa phương vẫn chăn thả gia súc tự do bên đường. Cảnh tượng những chú bò lững thững đi dạo trên mặt đường bê tông không hề xa lạ trên tuyến đường Long Biên - Bát Tràng.
Bò đi dạo trên đường bê tông. |
Đây là công trình do Ban Quản lý dự án giao thông đô thị (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) làm đại diện chủ đầu tư, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị hóa của quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, mới sau một năm, công trình gần 49 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố này, chưa mang lại nhiều lợi ích kinh tế lại trở thành một điểm đen về giao thông. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần kiểm tra lại chất lượng xây dựng công trình, đồng thời siết chặt công tác quản lý và duy tu tuyến đường, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, địa bàn để tránh lãng phí tiền của của nhân dân và bảo đảm cho việc lưu thông trên đường được an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.