(HNM) - Vừa mới mở bán 2 ngày (bắt đầu từ ngày 12-1) nhưng các hãng vận tải hành khách lớn hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã thông báo hết vé, khiến người lao động muốn về quê ăn Tết hết sức ngao ngán.
"Cháy" vé ngày cao điểm
Ngày 13-1, tại Bến xe Miền Đông (BXMĐ - tuyến vận chuyển hành khách chính đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc), từ sáng sớm đã có hàng trăm người tập trung trong khu vực bán vé chỉ rộng chừng 100m2. Dù bến xe lẫn nhà xe đã tăng cường bố trí ghế ngồi nhưng vẫn không đủ nên mọi người phải đứng cả ra ngoài. Đối với những người có số thứ tự cầm sẵn trên tay cũng phải xếp hàng cả giờ đồng hồ sau mới
có vé. Đinh Viết Nam (sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) không khỏi thất vọng khi từ quầy vé bước ra: "Tôi đến từ tờ mờ sáng nhưng giờ đã là trưa mà không có vé".
Hành khách chờ mua vé tại Bến xe Miền Đông nhưng vé ngày cao điểm đã hết. |
Theo quan sát của phóng viên, tại các quầy vé của nhà xe Thuận Thảo, Chính Nghĩa, Bình Tâm hay Sao Vàng (chủ yếu đi về các tỉnh miền Trung), các hãng xe đều dán bảng thông báo hết vé trong các ngày cao điểm từ ngày 24 đến 28 âm lịch. Lý do được đưa ra là vì nhu cầu đi các ngày này cao và lượng vé này trước đó đã được bán qua điện thoại, email… Theo các hãng xe, hiện nay chỉ còn vé các ngày thấp điểm, chủ yếu trước ngày 20 Tết.
Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc BXMĐ cho biết, hiện có 2 hình thức bán vé tại bến. Một do các nhà xe tự bán sau khi kê khai bảng giá cước với cơ quan chức năng; hai là ủy thác cho bến bán vé với số lượng khoảng 50%. Đối với hình thức tự bán, trong tổng số 10 doanh nghiệp vận tải (DNVT) sẽ bán vé Tết mới chỉ có 4 đơn vị triển khai bán do đủ điều kiện quy định. Trong khi đó nhu cầu mua vé cao gấp nhiều lần so với khả năng đáp ứng của nhà xe, đặc biệt vào ngày cao điểm nên mới có tình trạng "cháy" vé. Như vậy, vẫn còn cơ hội cho người lao động xa quê có được tấm vé về quê ăn Tết vì còn tới 6 DN khác chưa mở bán.
Giám sát chặt giá vé
Dự định đi xe giường nằm về Quảng Ngãi ngày 18 Tết âm lịch, chị Nguyễn Thị Tiệp cho biết, giá vé nhà xe Chín Nghĩa đưa ra là 480 nghìn đồng, so với năm ngoái giảm khoảng 3%. Tương tự, anh Phạm Văn Điệp (về Phú Yên ngày 22 Tết) đi xe của hãng Thuận Thảo cho biết, dù bị phụ thu tới 60% nhưng giá vé ghế giường nằm là 448 nghìn đồng, giảm 5% so với năm 2014.
Trong khi đó, ông Đặng Trọng Hiền, Giám đốc chất lượng Hãng xe Phương Trang cho biết, tuy nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 25% trong cơ cấu giá vé của Phương Trang nhưng dịp Tết này, công ty sẽ giảm giá vé dao động từ 5 đến 18% so với năm ngoái. "Hiện chúng tôi đã trình lên cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh bảng kê khai giá vé dịp Tết và ngay sau khi có quyết định chính thức sẽ lập tức triển khai bán", ông Hiền thông tin.
Ông Thượng Thanh Hải cho biết, sau khi một loạt điều chỉnh giảm giá nhiên liệu, tại bến có khoảng 100 DNVT đã tiến hành điều chỉnh giảm giá cước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN đang chờ ý kiến của cơ quan chức năng trong việc cấp phép cho bán vé Tết. Thế nên sau khi có quyết định chính thức, bến xe sẽ yêu cầu từng DN dán bảng thông báo công khai trước mỗi quầy vé để hành khách nắm rõ. Nếu trường hợp DN nào bán sai quy định, bến xe sẽ báo cáo với cơ quan chức năng để lập biên bản xử lý.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại BXMĐ xuất hiện nhiều "cò vé" tìm cách lôi kéo, dụ dỗ khách. "Cò" ra giá cao hơn giá vé trên thông báo trung bình từ 100 đến 200 nghìn đồng/vé, tùy vào chặng và ngày đi, và sau khoảng 10 phút sẽ có vé thay vì chờ đợi cả giờ đồng hồ mà chưa chắc đã được mua. Trao đổi về vấn đề này, ông Thượng Thanh Hải cho rằng "cò vé" chủ yếu tập trung ngoài bến, địa điểm chủ yếu là các quán cà phê bên đường. "Người dân đặc biệt lưu ý không nên mua tại các điểm này, vì nguy cơ "rước họa vào thân" là khá cao. Đơn cử, Tết năm 2014, có nhiều trường hợp hành khách mua phải vé giả tại các điểm chui này", ông Thượng Thanh Hải khuyến cáo. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.