Giống lúa lai “nhảy múa” Ông Phan Huy Thông, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện nay lượng lúa lai trong nước và nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ đáp ứng được khoảng 74% nhu cầu sản xuất trong nước.
Ông Phan Huy Thông, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện nay lượng lúa lai trong nước và nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ đáp ứng được khoảng 74% nhu cầu sản xuất trong nước. Giống lúa lai Trung Quốc khan hiếm lại một lần nữa trở thành chủ đề nóng bỏng trước vụ sản xuất mới của miền Bắc. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) kinh doanh giống đều lắc đầu ngán ngẩm kêu ca chưa bao giờ nhập khẩu giống lại khó khăn như vậy…
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Giống cây trồng trung ương cho biết: Mặc dù đã chủ động 90% lượng giống lúa mà đơn vị cung ứng cho thị trường từ sản xuất nội địa, chỉ còn tỷ lệ 10% giống lúa lai nhập của Trung Quốc mà DN cũng thấy ngán ngẩm trước biến động khi tỷ giá tăng, DN nước bạn ép giá… Cái mắc nhất của việc nhập khẩu hiện nay khi tỷ giá đồng nhân dân tệ tăng cao, nhiều DN không dám nhập khẩu khi tính ra tiền Việt giống quá đắt. Giống thông thường Nhị ưu 838, DN Trung Quốc nói giá 18,5 tệ/kg; riêng các giống độc quyền giá trên 20 tệ/kg, phổ biến 23 tệ/kg, có giống tới 25 tệ/kg, nhập về bán đến tay nông dân giá lên tới 90.000 đồng/kg thóc giống. Việc khan hiếm giống lúa lai, ảnh hưởng nặng nhất thuộc về hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, nơi có diện tích lúa lai lớn nhất. Tiếp đến là vùng miền núi phía Bắc và ĐBSH. Theo phân tích và diễn biến của thị trường, giá giống lúa lai sẽ khó có cơ hội giảm, gây khó khăn cho các địa phương cấy tỷ lệ lúa lai cao.
Hà Nội chủ động cung ứng giống
Vụ xuân 2011, Hà Nội có kế hoạch bố trí nhóm các giống lúa lai cơ cấu 20% diện tích; nhóm ngắn ngày năng suất cao, chất lượng trung bình cơ cấu 50% diện tích, nhóm năng suất, chất lượng cao và một số giống nếp 25%, còn lại là 5% các giống khác. Hà Nội có 3 huyện cấy diện tích lúa lai nhiều là Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, cơ cấu 50-60%, còn lại các huyện tỷ lệ lúa lai đều dưới 20%. Theo ông Hoàng Văn Thám, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, vụ xuân 2011, huyện gieo trồng khoảng 9.000ha lúa, đến thời điểm này, trên địa bàn đã chủ động được 400-500 tấn lúa giống chất lượng, bảo đảm cung ứng cho nông dân, vẫn theo tỷ lệ 1kg thóc giống tương đương 1,6kg thóc thịt như mọi năm.
Đối với các huyện cấy lúa lai trọng điểm, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương thực hiện sát lịch gieo trồng từ khâu gieo mạ che phủ nilon, cấy mạ non, áp dụng theo phương pháp canh tác SRI để tiết kiệm giống. Thực tế sản xuất cho thấy Hà Nội là một trong ít địa phương của cả nước áp dụng thành công mô hình thâm canh cải tiến SRI trên diện rộng, tiết kiệm được 70% lượng giống. Đây là cơ sở quan trọng để vụ xuân này Hà Nội tiếp tục áp dụng mở rộng nhằm hạn chế mua giống lai của Trung Quốc với giá quá cao. Do tập quán canh tác, hiện nhiều địa phương đang lãng phí giống, tại Hà Nội nông dân cấy lúa lai chỉ sử dụng 1kg thóc giống lúa lai/ sào Bắc bộ, tương đương 20-27kg/ha, thì nhiều địa phương khác lại sử dụng đến 2kg thóc giống/sào Bắc bộ.
Ông Nguyễn Duy Hồng, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, vụ xuân 2011, Hà Nội có 2 loại cây trồng có diện tích lớn là lúa khoảng 100.000ha, cần lượng giống 5.000 tấn - 7.000 tấn (kể cả dự phòng), trong đó lúa lai chỉ khoảng 30 tấn và ngô 7.000 đến 8.000ha, lượng giống ngô chỉ cần khoảng 98 tấn, hiện tại giá giống ngô tăng không nhiều. Tín hiệu vui là vụ sản xuất này, cung ứng giống cho nông dân Hà Nội có tới 25 DN cung ứng giống uy tín, ngoài các công ty như Công ty CP giống TƯ, Công ty Đầu tư Phát triển nông nghiệp Hà Nội và nhiều công ty đa quốc gia như Bayer, Syngenta, Bioseed… đã sẵn sàng nguồn giống đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ xuân này.
Ông Phan Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho rằng, đối với Hà Nội, vụ xuân này sẽ không quá căng thẳng về giống lúa thuần. Công ty đã chủ động chuẩn bị 1.200 tấn giống lúa thuần chất lượng cao phục vụ nông dân với giá cả hợp lý. Qua tìm hiểu, các đơn vị cung ứng giống đều cho biết họ cam kết không lợi dụng thiếu giống mà tùy tiện nâng giá và cố gắng giữ giá giống như vụ trước, hoặc có tăng cũng không quá 2-3%. Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định, Hà Nội cấy 129.000ha lúa vụ xuân, đến thời điểm này cân đối các nguồn có thể tạm đủ giống. Do Hà Nội cấy tỷ lệ lúa thuần và lúa nếp cao tới 90% nên nông dân hoàn toàn yên tâm khâu giống. Ngoài kế hoạch cung ứng của các đơn vị dịch vụ, các huyện đều có kế hoạch chủ động cung ứng giống cho vụ xuân từ cuối vụ mùa 2010 nên trên địa bàn Hà Nội chắc chắn vụ này sẽ đáp ứng đủ giống cho sản xuất và dự phòng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.