(HNMO) - Sau khi Bộ Y tế khẳng định đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu khẩu trang y tế của người dân để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút mới corona (nCoV), tình trạng “cháy hàng”, tăng giá khẩu trang vẫn diễn ra. Sáng 2-2, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết, vì sao Bộ Y tế khẳng định đủ khả năng cung ứng khẩu trang mà thị trường khẩu trang hiện vẫn… “sốt”?
- Hiện các giải pháp mà Bộ Y tế đưa ra cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên quan đang được triển khai rất đồng bộ. Bộ Y tế đã làm việc với Bộ Công Thương, đồng thời tiến hành rà soát năng lực cung ứng khẩu trang của các doanh nghiệp sản xuất. Chúng tôi đã báo cáo cụ thể vấn đề này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút mới corona (nCoV) diễn ra sáng 1-2.
Hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang 3 lớp tại Việt Nam với năng lực hơn 1,24 triệu chiếc/ngày, 2 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang N95 với năng suất 32.000 chiếc/ngày. Năng suất này có thể đáp ứng nhu cầu trong nước.
Việc khan hiếm khẩu trang thời điểm hiện tại do một số doanh nghiệp sản xuất sau thời gian nghỉ Tết chưa bắt tay ngay vào sản xuất trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân xảy ra bất ngờ. Thêm vào đó, đa số nguyên liệu sử dụng cho sản xuất khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi hiện nay, họ cũng giữ nguyên liệu để sử dụng trong nước. Chính vì vậy, chúng tôi đang yêu cầu doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các đối tác khác, sớm ổn định thị trường khẩu trang.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc đeo khẩu trang phòng, chống bệnh liên quan đến đường hô hấp rất tốt. Thế nhưng, chúng ta cũng cần phải xác định ở mức độ nào, nguy cơ nào, trường hợp nào, lúc nào thì dùng khẩu trang. Hiện nay, bệnh chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, người dân nên dùng khẩu trang ở nơi có nguy cơ lây lan cao, như: Tham gia các phương tiện giao thông công cộng, đến bệnh viện. Người bình thường chỉ cần dùng khẩu trang y tế thông thường, không nhất thiết dùng khẩu trang chuyên dụng N95, thậm chí có thể dùng khẩu trang vải được vệ sinh, giặt phơi sạch sẽ hằng ngày. Trong trường hợp không có khẩu trang, người dân nên dùng tay che miệng khi ho, hắt hơi, tránh trường hợp mình mang vi rút rồi lây cho người khác.
- Vậy, đến khi nào thị trường khẩu trang được bình ổn, thưa ông?
- Chúng tôi đang nỗ lực bằng mọi biện pháp để bình ổn thị trường. Thậm chí, các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình găm hàng, tăng giá bán khẩu trang. Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các đơn vị cố tình lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá khẩu trang. Trong 3 ngày qua, lực lượng quản lý thị trường của các tỉnh, thành phố đã xử lý hàng loạt các cửa hàng tự ý tăng giá bán khẩu trang với mức phạt rất cao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sáng 1-2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu, rút ngay giấy phép nếu hiệu thuốc tăng giá khẩu trang. Người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ cửa hiệu thuốc tăng giá bán, không cần thanh tra đến làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức hiệu thuốc đó.
- Trước tình trạng thị trường khẩu trang “cháy hàng”, “loạn giá”, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế đã làm tròn trách nhiệm?
- Như tôi đã nói, tất cả các giải pháp Bộ Y tế đưa ra hiện nay đều được triển khai quyết liệt và đồng bộ. Bộ Y tế đã có văn bản gửi các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, nghiêm cấm bán hàng cho các đơn vị thu mua, đầu cơ hoặc xuất bán khi giá thị trường tăng. Nếu sai phạm sẽ bị xử lý theo chế tài của các văn bản pháp luật hiện hành.
Với các hiệu thuốc đang tự ý đẩy giá khẩu trang lên cao, trách nhiệm thanh, kiểm tra xử lý vi phạm thuộc về thanh tra sở y tế các địa phương. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường đang tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở tăng giá bất thường.
- Hiện việc tìm nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang đến đâu, thưa ông?
- Chúng tôi đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương đôn đốc, kiểm tra và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang về nguồn nguyên liệu. Sau khi làm việc với phía thương mại của các nước để tìm nguồn nguyên liệu tốt sản xuất khẩu trang bảo đảm chất lượng, chúng ta đã tìm được nguồn nguyên liệu của Ấn Độ và Hàn Quốc để đưa vào sản xuất ngay.
Trước mắt, với cấp độ dịch bệnh như hiện tại, chúng ta không lo thiếu khẩu trang. Người dân không nên quá hoang mang mua khẩu trang tích lũy tạo nên tình trạng khan hiếm. Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm, đạo đức kinh doanh, không tăng giá, bảo đảm bình ổn thị trường trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh hiện nay.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):
- Đeo khẩu trang nếu bạn có triệu chứng hô hấp - ho, khó thở
- Đeo khẩu trang nếu bạn phải chăm sóc người có triệu chứng hô hấp - ho, khó thở
- Đeo khẩu trang nếu bạn là nhân viên y tế chăm sóc, điều trị bệnh nhân có bệnh đường hô hấp
Mọi người nếu không có hoặc không tiếp xúc người có triệu chứng hô hấp (ho, khó thở) thì không nhất thiết phải đeo khẩu trang.
Sử dụng khẩu trang y tế đúng cách:
- Chỉ sử dụng 1 lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy. Không tái sử dụng khẩu trang dùng một lần.
- Khi đeo khẩu trang phải để mặt có màu (xanh, xám, đen...) ra ngoài do mặt màu này có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong. Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.
- Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng.
- Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.
- Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay.
- Rửa tay với xà phòng và nước sạch ngay sau khi vứt bỏ khẩu trang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.