Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ tham ô tài sản ở Vinalines: Viện KSND bác phần bào chữa của các luật sư

Hà Phong| 15/12/2013 06:00

(HNM) - Ngày 14-12, TAND TP Hà Nội tiếp tục ngày xét xử thứ ba vụ án

Phần tranh tụng của luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo diễn ra khá căng thẳng. LS Ngô Ngọc Thủy bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải - Bộ Giao thông - Vận tải) khẳng định, thân chủ của mình không tham ô. Đối với lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn (Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) khi nói rằng đã đưa 10 tỷ đồng cho bị cáo Dũng từ khoản tiền "lại quả" 1,66 triệu USD, LS cho rằng chỉ là chứng cứ một chiều, thiếu cơ sở thuyết phục bởi những lần Sơn đưa tiền cho Dũng không có biên nhận hay người thứ 3 làm chứng. LS Trần Đình Triển cũng bào chữa cho bị cáo Dũng thì đề cập đến việc hồ sơ thiếu chứng cứ, tài liệu tương trợ tư pháp vì theo cáo trạng thì cơ quan điều tra đã đề nghị tương trợ tư pháp từ phía Singapore đến nay chưa có kết quả.

Bị cáo Mai Văn Phúc trả lời thẩm vấn tại phiên tòa.


Cùng chung nhận định, LS Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc cũng nêu quan điểm, bị cáo Phúc không tham ô vì chưa đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Trần Hải Sơn đã đưa cho bị cáo Phúc 10 tỷ đồng tiền "lại quả" trong vụ mua ụ nổi. Đối với bị cáo Trần Hữu Chiều (Phó Tổng giám đốc Vinalines), LS Nguyễn Đình Khỏe nêu, trong quá trình khai báo trước tòa, bị cáo Chiều đã ăn năn hối cải nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đại diện VKS lập luận, các mức án đề nghị đã đúng người, đúng tội. Hiện ụ nổi đã làm tiêu tốn quá nhiều tiền của Nhà nước, cho đến thời điểm hiện tại đã là hơn 500 tỷ đồng. Khoản 1,66 triệu USD chính là tiền của Vinalines cố tình "cho" đi ra nước ngoài rồi quay về Việt Nam để ăn chia, hợp thức hóa. Thực tế trên đã làm khá rõ bản chất vụ án.

Kết thúc phần bào chữa của các LS, Hội đồng xét xử cho các bị cáo nói lời sau cùng. Bị cáo Dương Chí Dũng kêu bị truy tố oan tội tham ô, đồng thời gửi lời xin lỗi các ban, ngành chức năng, nhân dân và toàn thể cán bộ, nhân viên ngành hàng hải vì thiếu giám sát, đã đẩy ngành hàng hải vào thế khó khăn. Bị cáo Mai Văn Phúc khóc, cho rằng mình bị oan. Bị cáo Trần Hải Sơn nói nhận sai lầm của mình trong quá trình tham gia thực hiện dự án, bị cáo rất muốn khắc phục nếu gia đình có điều kiện. Các bị cáo còn lại hầu hết đều khẳng định mình làm đúng quy định nhà nước.

Theo dự kiến, chiều thứ hai, ngày 16-12, chủ tọa phiên tòa sẽ tuyên án đối với từng bị cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ tham ô tài sản ở Vinalines: Viện KSND bác phần bào chữa của các luật sư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.