Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ sông Thị Vải bị “đầu độc”: Đã quá muộn với Vedan

Đặng Loan| 03/08/2010 06:25

Sự chây ỳ của Vedan và giới hạn của lòng kiên nhẫn (HNM) - Gần hai năm sau vụ việc xả nước thải ra sông Thị Vải bị lật tẩy, khi sự kiên nhẫn của hàng ngàn nông dân bị thiệt hại đã hết giới hạn, đồng loạt nhờ tòa án phân xử thì Vedan mới


Nói một đằng, làm một nẻo!

Một khúc sông Thị Vải bị ô nhiễm, nổi bọt trắng xóa Ảnh: TTXVN


Sau khi bị Cục Cảnh sát môi trường và đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT bắt quả tang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải ngày 8-9-2008, mười ngày sau, ông Yang Kun Hsiang, Tổng Giám đốc Công ty CPHH Vedan Việt Nam tỏ ra "ân hận": "Tôi thành thật xin lỗi công luận và xã hội Việt Nam vì hành vi vi phạm của chúng tôi suốt 14 năm qua". Những tưởng, hành động ăn năn sẽ đi cùng với sự "phục thiện" của Vedan trong cam kết bồi thường thiệt hại. Nhưng lời xin lỗi suông của Tổng Giám đốc Vedan đã trôi tuột khi công ty này không chịu hành động để khắc phục hậu quả!

Qua hai năm kiên trì đàm phán, Vedan đã cò kè "bớt một thêm hai" với hàng ngàn nông dân sống dọc con sông Thị Vải. Từ mức bồi thường 20 tỷ đồng năm 2009 (Bà Rịa - Vũng Tàu 6 tỷ, TP Hồ Chí Minh 7 tỷ, Đồng Nai 7 tỷ), Vedan "cò kè", nâng lên 37 tỷ đồng vào đầu năm 2010 (Bà Rịa - Vũng Tàu 10 tỷ, TP Hồ Chí Minh 12 tỷ, Đồng Nai 15 tỷ). Tiếp đó, sau nhiều lần thương lượng, Vedan lại nâng mức "hỗ trợ" TP Hồ Chí Minh lên 16 tỷ, Đồng Nai là 30 tỷ. Đến ngày 28-7-2010, khi nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã nộp đơn khởi kiện, TP Hồ Chí Minh cũng đã sẵn sàng hồ sơ và nông dân Đồng Nai bắt đầu đồng loạt viết đơn khởi kiện thì Vedan mới cuống cuồng gửi công văn, đề nghị nâng mức "hỗ trợ" lên 130 tỷ đồng (Bà Rịa - Vũng Tàu 40 tỷ, TP Hồ Chí Minh 30 tỷ, Đồng Nai 60 tỷ). Tiếp theo đó, họ lại đánh tiếng với hội nông dân các tỉnh muốn… thương lượng thêm lần nữa!

Chuyện "mặc cả" không còn lạ với Vedan, bởi trước đó, khi Vedan đi vào hoạt động năm 1993, với việc xây dựng nhà máy chế biến bột mì và sản xuất bột ngọt tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai thì chỉ một năm sau, năm 1994, tôm cá trên dòng sông Thị Vải chết dần, chết mòn, khiến bà con nông dân các huyện Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) làm nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên dòng sông này đã đòi Vedan phải bồi thường 40 tỷ đồng vì gây ô nhiễm, cắt đường sinh nhai của họ. Công ty Vedan đã thừa nhận gây ô nhiễm, nhưng dùng dằng trả treo cho đến cuối năm 1995 mới chịu bồi thường cho người dân ven sông Thị Vải 15 tỷ đồng, nhưng không chịu dùng từ bồi thường mà là "hỗ trợ ngư nghiệp".

Chứng cứ để kiện: Có thừa!


Các luật sư của Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đại diện cho nông dân nộp hồ sơ đến tòa án huyện Tân Thành. Ảnh: Lã Anh


Sự "cò cưa", chây ỳ của Vedan thực chất là nhằm mục đích gì? Điều đó đã được các chuyên gia chỉ ra bản chất, đó là cố tình kéo dài thời gian để quá thời hạn khởi kiện (theo quy định là 2 năm), rồi "rũ tay" trước thiệt hại đã gây ra. Sự mặc cả không thể chấp nhận của Vedan nằm ở chỗ, dù con số 219 tỷ đồng của Viện Môi trường - Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (MTTN) đưa ra đã được đánh giá bằng cơ sở khoa học, thì Vedan vẫn cố tình "quên" và đề nghị "hỗ trợ" 130 tỷ đồng. Thêm nữa, vi phạm đã rõ ràng nhưng Vedan vẫn nhất quyết cho rằng mình đang "hỗ trợ" chứ không chịu nhìn nhận đúng bản chất sự việc là bồi thường!

Yêu cầu của nông dân các tỉnh là: Vedan phải chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại của họ do ô nhiễm gây ra. Điều đó là hoàn toàn chính đáng và con số bồi thường được tính toán trên cơ sở khoa học. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện MTTN, để có con số cụ thể đòi bồi thường 219 tỷ đồng cho nông dân 3 tỉnh (TP Hồ Chí Minh 45,7 tỷ - tính tròn; BRVT 53,6 tỷ và Đồng Nai 119 tỷ), Viện MTTN đã có đến 9 tháng tính toán trên sơ đồ và đi thực tế tại vùng ô nhiễm. Vì vậy, 219 tỷ đồng bồi thường cho nông dân 3 tỉnh là con số có cơ sở khoa học vững chắc, Vedan không thể không tâm phục, khẩu phục. Tuy nhiên, vì không có thiện chí bồi thường nên Vedan cố tình đưa ra những con số thấp hơn và lấy nhiều lý do để trì hoãn.

Chính vì đã xử sự rất có tình, nhưng Vedan vẫn cố tình "không hiểu" nên trong cuộc họp ngày 28-7 vừa qua, các bộ, ngành đều đồng lòng rằng phải dùng "lý" với Vedan, khởi kiện Vedan ra tòa án để nhờ pháp luật phân xử. Đến hôm nay, gần 600 trong tổng số 1.254 hồ sơ khởi kiện của nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã nộp lên tòa án huyện Tân Thành và dự kiến trong tuần này tất cả đơn sẽ được nộp. Tại TP Hồ Chí Minh, 839 đơn kiện cũng đã hoàn chỉnh, chờ các luật sư rà soát lần cuối để nộp lên tòa án huyện Cần Giờ. Chậm hơn một chút, gần 2.000 nông dân Đồng Nai cũng đang được các luật sư trong và ngoài tỉnh hướng dẫn hoàn chỉnh thủ tục khởi kiện yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại.

Khi người nông dân không thể nhân nhượng, kiên quyết đưa ra để pháp luật xử lý thì Vedan cuống cuồng xuống nước! Nhưng sự thể dường như đã quá muộn, bởi bây giờ, dù Vedan có đền bù đủ số tiền 219 tỷ đồng như người dân yêu cầu thì thương hiệu Vedan trong lòng người tiêu dùng Việt Nam đã bị tổn hại quá nhiều do chính cách xử sự không có đạo lý thương trường của họ.

Đã đến lúc phải dùng “lý” với Vedan

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên đã khẳng định như vậy trước báo chí trong một cuộc họp về những vấn đề liên quan đến vụ Vedan "đầu độc" sông Thị Vải. Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, đến nay, chúng ta đã có đầy đủ căn cứ để khởi kiện Vedan vì các cơ quan, bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đúng, nghiêm túc và bài bản theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Thời gian qua, chúng ta đã "làm hết tình" trong việc giúp Vedan thực hiện cam kết bồi thường thiệt hại cho nông dân nhưng Vedan vẫn tìm cách trì hoãn nên đã đến lúc phải giải quyết vụ việc này theo "lý".

Những nông dân bị thiệt hại hoàn toàn có quyền khởi kiện Vedan và Bộ TN-MT sẽ hỗ trợ họ về cơ sở khoa học của những chứng cứ. Các bộ, ngành khác và địa phương cũng sẽ hỗ trợ cho nông dân cơ sở pháp lý của các chứng cứ để khởi kiện. Chừng nào người dân chưa nhận được bồi thường từ Vedan, chừng đó Bộ TN-MT chưa hết trách nhiệm.


Đức Trườngghi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ sông Thị Vải bị “đầu độc”: Đã quá muộn với Vedan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.