Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ Dương Chí Dũng: VKS giữ nguyên kết luận về vụ án

Thành Tâm| 29/04/2014 08:33

(HNMO) - Dương Chí Dũng nói lời sau cùng: Bị cáo mong được khoan hồng cho bị cáo sống, như là món quà của Đảng, Nhà nước với bị cáo.


Người này cho biết không làm về vấn đề tài chính của Công ty, chỉ ký giấy tờ liên quan đến ụ nổi, không nhận được gì khác từ việc bán ụ nổi trừ lương Công ty trả. Ông này cũng cho biết không biết gì về khoản hơn 1,66 triệu USD.

Ảnh: Việt Dũng


Tài liệu phía Nga cung cấp cũng có phần thẩm vấn Tổng Giám đốc Công ty Nakhodka. Ông này cho biết việc mua bán ụ nổi đã ký hợp đồng kế toán với Công ty ngoài, giá quyết toán ụ nổi khoảng 20 triệu rúp, giá bán cho AP là 2,3 triệu USD, đã nhận đủ. Người ký hợp đồng bên bán cho phía Vinalines là Goh Hoon Seow. Các giấy từ, chứng từ về việc mua bán không được cung cấp do theo pháp luật Nga, số giấy tờ này đã hết hạn lưu trữ. Cục thuế LB Nga cũng cho biết không có chứng từ xác nhận chuyển đổi sở hữu ụ nổi…

Giấy tờ phía Nga gọi ụ nổi là tàu. Trong số các tài liệu được cung cấp có hợp đồng số 0108, qui định chi tiết việc mở tài khoản tín dụng để thanh toán giá trị 83M là 2,3 triệu USD, thỏa thuận một số vấn đề liên quan về tờ khai hải quan, cảng vụ Nakhodka, biên bản bàn giao và nghiệm thu tàu…

Luật sư Ngô Ngọc Thủy của Dương Chí Dũng bày tỏ sự băn khoăn về giá trị sử dụng của tài liệu phía Nga cung cấp vì nhiều bản không có chứng thực, không được cung cấp bản gốc. Các luật sư khác cũng đề nghị xem lại tính hợp pháp của tài liệu dạng tương trợ tư pháp giữa 2 quốc gia và đề nghị không coi tài liệu phía Nga cung cấp là chứng cứ tại tòa, dù nội dung tài liệu này có lợi cho thân chủ của mình. Luật sư nhóm bị cáo nguyên là cán bộ Hải quan cho rằng, nội dung tài liệu phía Nga chưa có bảo đảm đối chiếu về một số từ ngữ chuyên ngành, nhất là khái niệm “tàu” hay “ụ nổi”. Thêm nữa, việc tài liệu không được dịch và chứng thực qua cơ quan ngoại giao cho thấy tài liệu này không có giá trị. Vì vậy, các luật sư đề nghị đưa nhóm tài liệu này ra ngoài hồ sơ vụ án.

Về vấn đề này, chủ tọa cho biết đã nhận được toàn bộ hồ sơ gốc của tài liệu này, chỉ cung cấp cho luật sư phần bản sao tiếng Việt. Tài liệu này, theo VKS cho biết có kèm công hàm của Tổng Viện KS LB Nga. Đại diện VKS giữ quyền công tố cho biết thêm, cũng mới được tiếp cận tài liệu này và nhận thấy tài liệu này đúng tinh thần tương trợ tư pháp, trình tự chuyển đến HĐXX đúng thủ tục pháp luật. Về việc tài liệu này có được xem xét là chứng cứ hay không, đại diện VKS cho rằng, luật sư đòi hỏi phải có kết quả về tương trợ tư pháp, cơ quan điều tra đã gửi đến tòa, nếu không coi là chứng cứ đầy đủ và hợp pháp cũng mang tính tham khảo. Quan điểm của VKS là nếu tài liệu này có ảnh hưởng quyết định đến việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án thì không thể đề nghị đưa ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Nghĩa là, nếu không có tài liệu này hay không, VKS vẫn cho rằng đã đủ chứng cứ để xác định hành vi phạm tội của các bị cáo.

Về thời gian hình thành tài liệu này, HĐXX giải thích thêm, từ tháng 3-2013, cơ quan điều tra đã có yêu cầu tương trợ tư pháp. HĐXX cũng cho rằng, trong quá trình xét xử sẽ xem xét tính hợp pháp của tài liệu này.

8h50': HĐXX tiếp tục xét hỏi Trần Hải Sơn về việc bị cáo rút tiền để chuyển cho các bị cáo khác. Trần Hải Sơn khai rút tiền tại Hải Phòng, Hà Nội để giao cho Mai Văn Phúc, nhưng nhiều lần rút tiền nên nhớ không chính xác. Trần Hải Sơn khai ký hợp đồng hàng tháng với lái xe Quỳnh, người trước đó Sơn khai đến đón Sơn trong một lần đưa tiền cho Dương Chí Dũng tại TP Hồ Chí Minh.

Luật sư tiếp tục thẩm vấn Trần Thị Hải Hà, Trần Thị Hải Huyền (em gái Sơn) về việc rút, chuyển tiền (3 tỷ đồng) ngày 6-9-2008. Trần Thị Hải Huyền khai có chuyển tiền nhưng không nhớ rõ ngày. Luật sư tiếp tục thẩm vấn ông Trần Thái Sơn, giám định viên (Bộ Tài chính) về các vấn đề liên quan đến vấn đề thủ tục hải quan, giám định thiệt hại. Giám định viên cho biết, khoản hơn 366 tỷ đồng thiệt hại là từ nhiều khoản, riêng một giám định viên không biết hết. Giám định viên chỉ xem xét dưới góc độ giám định, số tiền thiệt hại căn cứ trên tổng số tiền chi phí cho ụ nổi tính đến ngày khởi tố vụ án (17-5-2012) trên sổ sách, số liệu của Vinalines, trừ đi những khoản đã kết luận (giá mua gốc - 2,3 triệu USD, các khoản chi phí hợp lệ, hợp pháp, thuế…). Kết luận giám định không đề cập đến trách nhiệm của nhóm nguyên cán bộ Hải quan là vì giám định viên không kết luận nhóm cán bộ Hải quan làm sai. Giám định viên cũng đã đề nghị cơ quan điều tra làm rõ thêm.

Luật sư tiếp tục yêu cầu Trần Thị Hải Hà xác nhận việc rút và đưa khoản tiền hơn 1,66 triệu USD (tương đương hơn 28 tỷ đồng). Trần Thị Hải Hà xác nhận lời khai trước cơ quan điều tra.

Đại diện Ngân hàng Hàng hải đã cho biết chưa có kết quả tra soát việc rút, chuyển tiền trong năm 2008 tại chi nhánh Hà Nội, Hải Phòng, việc chuyển tiền từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội từ tháng 6-2008 đến 2-2009 của Trần Hải Sơn, xin thêm thời gian để tìm kiếm.

Về Công ty Phú Hà của Trần Thị Hải Hà, luật sư của Dương Chí Dũng hỏi về việc chuyển tiền từ Công ty AP về Việt Nam thông qua Công ty này. 9h30 tòa kết thúc phần xét hỏi.

9h30': Đại diện VKS bắt đầu phần kết luận bổ sung, cho rằng sau phần xét hỏi thêm tại tòa nhiều vấn đề được làm rõ thêm. Những vấn đề mới luật sư đưa ra, cho rằng có mâu thuẫn nghiêm trọng ảnh hưởng đến việc xêm xét chứng cứ. Về việc xuất trình vé máy bay của Dương Chí Dũng khi bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để cho rằng Dũng chưa thể có mặt ở khách sạn vào thời gian Sơn khai, đại diện VKS có ý kiến rằng: Sơn khai thời gian đưa tiền là “khoảng 18h” là hợp lý so với thời gian đi máy bay của Dũng; Sơn cũng chỉ khai “trước đó” có điện thoại, không chắc là thời điểm Dũng đang trên máy bay. Về hợp đồng lao động của lái xe của Sơn muộn hơn thời điểm Sơn khai đưa tiền, VKS cho rằng như Sơn đã khai, trước đó đã nhiều lần ký hợp đồng từng tháng với lái xe này.

Về văn bản Chính phủ đồng ý cho Vinalines áp dụng chế độ chỉ định thầu trong việc triển khai dự án, đại diện VKS cho rằng văn bản này từ 1-10-2008, sau thời điểm Vinalines mua ụ nổi, vì vậy không có căn cứ để xem xét về tội danh “cố ý làm trái” của các bị cáo. Về thư chào giá ghi ngày 3-7-2007 gửi cho Phó Tổng Giám đốc Bùi Văn Trung, ông Trung đã được triệu tập và khai trước tòa là không trực tiếp nghiên cứu thư này mà đã chuyển cho các bộ phận chức năng. Trong phần xét hỏi, các bị cáo đã thừa nhận lời khai tại cơ quan điều tra, thể hiện vai trò chỉ đạo của Dũng, Phúc. Về văn bản từ LB Nga, VKS cho rằng qui trình chuyển văn bản đến Tòa là đúng trình tự pháp luật. VKS không có nhu cầu sử dụng văn bản này để luận tội, nội dung văn bản này không ảnh hưởng gì đến kết luận của VKS.

Vì những lý do trên, VKS khẳng định quan điểm giữ nguyên kết luận về vụ án.

Trước tòa, bị cáo Mai Văn Phúc tiếp tục cho rằng có lời khai của Trần Hải Sơn có nhiều mâu thuẫn: mâu thuẫn về các khoản trong số tiền hơn 1,66 triệu đồng (hơn 28 tỷ đồng), mâu thuẫn về thời gian, địa điểm chuyển tiền.


Mai Văn Phúc cũng cho rằng từ lời khai của các bị cáo khác cho thấy, bị cáo không chỉ đạo việc mua ụ nổi.

Bị cáo Trần Hữu Chiều cho rằng Phú Hà đã 2 lần nhận tiền của Công ty AP. Trần Hữu Chiều cũng mong HĐXX xem xét một số tình tiết liên quan đến việc cá nhân nào trong đoàn khảo sát đã tạo dựng hồ sơ với Goh, trách nhiệm về việc định danh tàu - ụ nổi, mức độ bồi thường…

Bị cáo Mai Văn Khang cho rằng VKS vẫn chưa làm rõ được những nội dung mới mà quá trình xét hỏi bị cáo và luật sư đã đưa ra.

10h05': Luật sư bắt đầu tranh luận.

Luật sư của Dương Chí Dũng cho rằng những bằng chứng VKS đưa ra chưa đủ qui kết tội của các bị cáo, đề nghị giữ quan điểm trả hồ sơ, điều tra lại.

Về ý kiến của Ngân hàng Hàng hải, luật sư của Mai Văn Phúc cho rằng việc tra soát chứng từ chứng tỏ việc giao dịch của Trần Hải Sơn chưa có kết quả, nhưng bản thân Ngân hàng cho rằng có thể không có giao dịch. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì phải hiểu là không có việc rút tiền, vì vậy không đủ căn cứ xác định việc Sơn rút tiền thì không có cơ sở kết tội Phúc.

Về việc thanh toán tiền mua ụ nổi, Trần Hữu Chiều đã tham mưu rằng đã đủ chứng tử để thanh toán, vì vậy không đủ cơ sở để cho rằng Mai Văn Phúc biết không đủ chứng từ vẫn ký thanh toán… Luật sư yêu cầu đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Luật sư của Dương Chí Dũng cho rằng, Dũng lên máy bay lúc 15h, máy bay cất cánh lúc 15h30, vì vậy VKS đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ. Hợp đồng với lái xe của lái xe của Sơn là hợp đồng thử việc và lời khai của lái xe này là làm việc từ tháng 8. Các chứng cứ này cho thấy chưa thể qui kết tội “tham ô” cho Dũng. Về văn bản của Chính phủ, tuy ra sau thời điểm vụ mua bán xảy ra nhưng có lợi cho bị cáo thì theo luật vẫn cần áp dụng. Tài liệu của phía LB Nga cũng cho thấy không có sự trao đổi từ đối tác với Dương Chí Dũng.

Luật sư của Dũng cũng cho rằng lời khai của Sơn quá mâu thuẫn trong việc chuyển tiền. Bên cạnh đó cũng có những lời khai Sơn cho rằng Dũng không chỉ đạo việc mua ụ nổi…

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp của bị cáo Mai Văn Phúc bổ sung thêm một số vấn đề được cho là mới phát sinh qua phần xét hỏi. Về văn bản tương trợ tư pháp từ phía LB Nga, luật sư đặt câu hỏi tại sao bây giờ mới xuất hiện. Văn bản này cho biết sẽ còn bổ sung. Văn bản này chỉ có lời khai của Prikhod là có liên quan đến vụ án. Luật sư bày tỏ nghi ngờ về chất lượng bản dịch. Mặt khác, văn bản không có những nội dung đáng quan tâm đến việc chứng minh các vấn đề của vụ án.

Về quá trình tiếp nhận chào giá, khảo sát, mua bán ụ nổi 83M, nhận tiền “lại quả”… luật sư cho rằng đều là Trần Hải Sơn, vì vậy cần tập trung xem xét. Mai Văn Phúc chỉ biết sau khi “gạo đã thành cơm” và bị cáo bị kẻ khác “gắp lửa bỏ tay người”. Vai trò của Phúc trong việc thực hiện hành vi phạm tội có phải là chỉ đạo, mong HĐXX là rõ. Căn cứ để kết tội Phúc “tham ô” là dựa vào lời khai của Sơn và người nhà Sơn, cần phải xem xét tính khách quan của những chứng cứ này. Mặt khác, lời khai của Sơn về địa điểm đưa tiền, cách thức vận chuyển tiền, đưa tiền cần thực nghiệm để đánh giá lời khai của Sơn. Về số tiền rút, chuyển cũng phải được kiểm tra lại.

Luật sư của Mai Văn Khang căn cứ vào qui chế quản lý văn bản của Vinalines để cho rằng Khang không phải chịu trách nhiệm khi ký nháy vào báo cáo khảo sát. Khang không có động cơ, mục đích để “cố ý làm trái”.

Luật sư của Trần Hải Sơn cho rằng kết quả xét hỏi thêm tại tòa rất quan trọng trong việc các bị cáo không cấu kết với nhau để hình thành tội “tham ô”. Các hành vi của các bị cáo chỉ là các mặt khách quan của hành vi “làm trái”. Mặt khác, đây là vụ án hình sự trách nhiệm thu thập bằng chứng thuộc về VKS, nên các bằng chứng được luật sư đưa ra cần được xem xét. Luật sư cũng cho rằng, trong vụ án này có nhiều vấn đề về tố tụng cần xem xét lại… Về phần trách nhiệm dân sự, luật sư cũng yêu cầu đánh giá lại. Mặt khác, luật sư không đồng tình quan điểm chia số thiệt hại cho các bị cáo để bồi thường, cần xem xét lại cho hợp tình, hợp lý.

Luật sư của nhóm bị cáo nguyên cán bộ Hải quan cho rằng, HĐXX xem xét nếu chưa đủ chứng cứ để xác định nhóm bị cáo này có tội thì đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung, đặc biệt là về nội dung: ụ nổi hay tàu. Đối với lời khai của bị cáo nếu có mâu thuẫn về nội dung giữa ụ nổi và tàu thì đề nghị tòa không công nhận.

Luật sư của Lê Văn Dương đề nghị xem xét kỹ báo cáo giám định của Dương, không đánh đồng với báo cáo khảo sát. Luật sư đề nghị xem xét lại tội danh của Dương.

Bị cáo Bùi Thị Bích Loan cho biết, chi tiết ngày 17-3-2008, khi bị cáo ký chuyển đặt cọc thì chưa cần đủ hồ sơ. Hành vi của bị cáo chỉ là ký chuyển tiền đặt cọc, chưa phải ký thanh toán.

Dương Chí Dũng tiếp tục đòi bổ sung về việc bay vào TP Hồ Chí Minh, có trợ lý đón và đưa đi ăn tối, không thể gặp Sơn. Thực tế, Sơn không biết nhà bị cáo tại Hà Nội, nên phát sinh lời khai đưa tiền ở TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng.

Đại diện VKS lưu ý thêm về ý kiến “VKS bỏ chứng cứ ngoài hồ sơ, cố ý buộc tội” của các luật sư, cho rằng quan điểm đưa ra trái ngược nhau diễn ra không ít, các luật sư không nên nhận định mang tính chất chủ quan.

11h15': Các bị cáo được nói lời sau cùng.

Dương Chí Dũng: bị cáo với cương vị lãnh đạo Vinalines để xảy ra sai phạm, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, bị cáo rất hối hận. Bị cáo mong HĐXX làm rõ vụ án, mong được khoan hồng cho bị cáo sống, như là món quà của Đảng, Nhà nước với bị cáo.

Mai Văn Phúc đề nghị HĐXX xem xét giúp bị cáo vì cáo buộc của VKS không đúng, đề nghị minh oan. Đề nghị xem xét lời khai của Sơn, cáo buộc bị cáo cả 2 tội danh. Đề nghị xem xét nội dung trình bày của bị cáo hoàn toàn là sự thật. Bị cáo nhận chức chỉ có 1 động cơ duy nhất là củng cố và phát triển Tổng Công ty, đã làm được điều đó, được mọi người ghi nhận. Nhưng vụ việc vẫn xảy ra vì khi bị cáo về thì “họ” đã sắp đặt sẵn, dù vậy bị cáo vẫn nhận trách nhiệm, sẽ động viên gia đình khắc phục hậu quả cho bị cáo.

Trần Hải Sơn: bị cáo đã nhận thức được sai phạm, mong muốn thời gian tới, gia đình bị cáo sẽ giúp khắc phục hậu quả, mong HĐXX có bản án đúng người đúng tội.

Trần Hữu Chiều: bị cáo đã đề nghị giảm nhẹ hình phạt tội danh “cố ý làm trái”. Về tội “tham ô”, đề nghị HĐXX miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với bị cáo vì như thế là oan ức. Về trách nhiệm dân sự, đề nghị HĐXX xem xét. Đề nghị HĐXX xác định rõ miễn trách nhiệm hình sự với nhóm bị cáo Hải quan. Đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ về nhân thân của bị cáo. Bị cáo cũng đã cao tuổi, đề nghị HĐXX xem xét.

Mai Văn Khang: xét điều kiện động cơ, mục đích, không “cố ý làm trái”, nếu có chỉ là vô ý, xin HĐXX xem xét lại tội danh, hoặc giảm cho bị cáo về mức án cũng như trách nhiệm dân sự. Bị cáo có nhân thân tốt, đề nghị giảm nhẹ. Bị cáo sẽ đề nghị gia đình cố gắng khắc phục.

Lê Văn Dương: bị cáo rất ăn năn, hối cải, mong HĐXX xem xét việc bị cáo thành khẩn khai báo, không có đọng cơ mục đích, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xin được hưởng khoan hồng của Nhà nước.

Huỳnh Hữu Đức: mong HĐXX xem xét bị cáo vô tội nếu ụ nổi không phải là tàu, nếu có thì xin hưởng mức án thấp nhất, xin miễn phần bồi thường.

Lê Ngọc Triện: mong hưởng mức án nhẹ nhất. Về mức bồi thường, đề nghị xem xét không phải chịu trách nhiệm.

Lê Văn Lừng: mong HĐXX xem xét đúng người đúng tội, xem xét bản thân có thời gian 10 năm bảo vệ Trường Sa, gia đình khó khăn.

11h35': HĐXX tuyên nghỉ để nghị án. Dự kiến, 14h ngày 7-5 Tòa sẽ tuyên án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Dương Chí Dũng: VKS giữ nguyên kết luận về vụ án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.