(HNM) - Gần 10 năm đi tìm nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam trong gốm sứ, không kể là trong hay ngoài nước, hễ nghe bất cứ nơi nào có tư liệu về gốm sứ là ông tìm đến. Tình yêu gốm sứ và văn hóa Việt đã giúp ông sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo. Từ tinh chất của đất, qua bàn tay tài hoa của người thợ, qua lửa biến hóa, gốm sứ kể chuyện ngàn năm, ghi lại dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc.
Trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, người dân Thủ đô sẽ được chiêm ngưỡng "Chén ngọc Thăng Long", món quà của Công ty Gốm sứ Minh Long I dâng tặng Hà Nội ngàn năm tuổi, thể hiện tấm lòng của người con phương Nam hướng về Thủ đô.
Chén ngọc Thăng Long được chế tác tinh xảo, đẹp mắt. Ảnh: Trịnh Mão |
Chén ngọc Thăng Long xây dựng lại lịch sử Thăng Long ngàn năm trước và Thủ đô Hà Nội hiện đại ngày nay. Chén có màu xanh cobalt truyền thống, cao gần 80cm, nặng 20kg, được đặt nằm trên ba con rồng thời Lý - Trần. Ba linh vật tượng trưng cho ba miền Bắc - Trung - Nam, cõng chén ngọc tượng trưng cho gánh vác sơn hà (đất nước) với thế vững như kiềng ba chân. Dòng chảy lịch sử được khắc nổi trên thân chén rất công phu. 1000 năm trước, Thăng Long hiện ra với Hoàng thành, hồ Hoàn Kiếm, cảnh mua bán sinh hoạt tàu thuyền tấp nập hai bên sông Hồng. 1000 năm sau, Hà Nội hiện đại mà vẫn cổ kính với Cột cờ, Lăng Bác, chùa Một Cột, cầu Thê Húc...
Để có chén ngọc hoàn mỹ này, ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Minh Long I đã ấp ủ ý tưởng 5 năm trời, đã dành 3 năm nghiên cứu công nghệ và 22 nghệ nhân làm việc trong gần 5 năm. Sau thành công của Chén ngọc Thăng Long, Minh Long I tiếp tục cho ra những sản phẩm độc đáo khác như Cúp Lạc Hồng, Chén ngọc Văn Lang, Cúp Hồn Việt, Cúp Sen Vàng… mỗi sản phẩm một vẻ, nhưng đều mang đậm nét văn hóa Việt và được chế tác kỳ công, tinh xảo.
Tại Hội nghị Cấp cao APEC 2006, Nhà nước Việt Nam đã chọn "Cúp APEC 2006 - Việt Nam" làm quà tặng cho nguyên thủ của 21 nền kinh tế lớn trên thế giới. Chiếc cúp mang hình tượng rồng thời Lý - Trần thể hiện tinh thần tự hào về nòi giống Rồng - Tiên. Gốm sứ được thổi hồn, chuyển tải những tinh hoa của lịch sử Việt Nam, theo bước chân các nguyên thủ thế giới như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc… đi khắp thế giới.
Ít ai biết rằng, để có những sản phẩm mang dáng vẻ hiện đại nhưng vẫn đậm bản sắc văn hóa Việt, ông Lý Ngọc Minh đã dành gần 10 năm nghiên cứu nét đặc trưng Việt trong gốm sứ. Không chỉ tìm tòi trong nước, hễ nghe nơi nào có tài liệu về gốm sứ Việt Nam là ông lại lặn lội tìm tới. Ông đặc biệt chú trọng tìm đồ gốm cổ và tài liệu ở các nước Pháp, Nhật Bản. Đến Nhật Bản, ông may mắn được gặp một giáo sư chuyên về gốm cổ Việt Nam và vị giáo sư này đã giúp ông tìm lại, mang về Việt Nam hàng loạt sách quý. Nghiên cứu những tài liệu này, ông thấy một loại hoa văn dây lá rất đặc biệt được thể hiện trên một loại gốm cổ, là gốm Bát Tràng xưa. Hiện nay dây lá này đã trở thành hoa văn đặc thù của Minh Long I. Theo ông Lý Ngọc Minh, điểm đặc biệt của gốm sứ Việt so với nhiều nước khác là tính xuyên suốt, logic, có câu chuyện xâu chuỗi được chứ không tản mạn. Ông tự hào được là người kế thừa những đặc sắc của văn hóa này. Ông Lý Ngọc Minh cho rằng, sản phẩm cũng như con người, phải có nguồn gốc, có lịch sử thì mới có ý nghĩa. Và những điều đó đã làm nên nét hấp dẫn của văn hóa Việt, của gốm sứ Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.