(HNM) - Quan hệ Nga - Mỹ đang bị thử thách sau
Tốc họa 5 trong số 11 người bị tình nghi làm gián điệp cho Nga tại phòng xử án ở New York. |
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, nhóm người này được Cơ quan Tình báo Nga giao nhiệm vụ thâm nhập Mỹ và trở thành công dân Mỹ để có thể thu thập thông tin về nước Mỹ. Theo cáo trạng, nhóm người này bị buộc tội thu thập thông tin về các chương trình nghiên cứu đầu đạn hạt nhân, thị trường vàng toàn cầu, cũng như cố gắng nắm thông tin về những người nộp đơn xin việc ở Cơ quan Tình báo trung ương (CIA). FBI đã theo dõi 11 người này trong suốt 10 năm qua. Vụ bắt bớ được cho là đặc biệt so với các vụ tương tự trong quá khư, vì những người bị bắt đều là thường dân và không hề có mối liên hệ nào với cơ quan sứ quán hoặc lực lượng quân sự Nga ở Mỹ.
Bản cáo trạng công khai của Bộ Tư pháp Mỹ không nói rõ những nghi can này hoàn thành công việc đến đâu, nhưng khẳng định họ đã sinh sống tại Mỹ trong một thời gian dài, dưới một vỏ bọc vững chắc mà không ai ngờ tới. Những người bị bắt là Anna Chapman, Mikhail Semenko, vợ chồng Richard và Cynthia Murphy, Vicky Pelaez, Juan Lazaro, Michael Zottoli, Patricia Mills, Donald Howard Heathfield Tracey Lee Ann Foley và Christopher Robert Metsos. 5 nghi can đã xuất hiện ở phòng xử án Manhattan, New York hôm 28-6 và bị tạm giam đến khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm ngày 27-7. Những người còn lại sẽ được xét xử ở Virginia và Massachusetts. Cả 11 nghi can bị kết án làm việc lén lút cho chính phủ nước ngoài mà không có sự kiểm soát của luật pháp Mỹ và sẽ đối mặt với mức án cao nhất là 5 năm tù. Có 9 người bị kết án rửa tiền với khung hình phạt nặng nhất tới 20 năm tù.
Sự kiện Bộ Tư pháp Mỹ công khai vụ việc là một hành động gây bất ngờ trong quan hệ vừa được tạo dựng lại giữa hai cường quốc. Nhưng cả Moscow và Washington đều đang nỗ lực giảm thiểu tác hại của vụ này. Ngày 29-6, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định những người bị Washington bắt giữ vì tình nghi làm gián điệp cho Nga không hề thực hiện bất cứ hành động nào chống lại lợi ích của Mỹ; đồng thời cáo buộc một số người có thế lực ở Washington đã dàn dựng ra vụ này nhằm phá hỏng tiến trình tái điều chỉnh quan hệ Nga - Mỹ. Phát biểu trước báo giới cùng ngày trong cuộc gặp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại tư dinh ở ngoại ô Moscow, Thủ tướng Nga Vladimir Putin bày tỏ hy vọng vụ "bê bối gián điệp" trên không làm phương hại đến mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, vốn đang được cải thiện đáng kể trong thời gian qua.
Trong khi đó, nhiều quan chức Mỹ liên tục nhấn mạnh vụ bắt giữ sẽ không làm phương hại đến tiến trình "cài đặt lại" quan hệ với điện Kremlin của Tổng thống Barack Obama. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đây chỉ là "những tàn tích tình báo lỗi thời"; mối quan hệ giữa hai nước, vốn là đối thủ thời Chiến tranh lạnh này, vẫn đang nồng ấm trở lại. Theo Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs, Tổng thống Mỹ B.Obama đã biết về chiến dịch của FBI nhằm đập tan mạng lưới gián điệp bị cáo buộc làm việc cho Nga trước khi hội đàm với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev hồi tuần trước; thế nhưng Tổng thống Mỹ đã không đề cập đến vấn đề này tại cuộc gặp. Vì vậy, Nhà Trắng khẳng định vụ bắt giữ sẽ không ảnh hưởng đến nỗ lực của cả hai bên nhằm đẩy tới mối quan hệ song phương được theo đuổi kể từ khi ông B.Obama đắc cử Tổng thống. Trong thời Chiến tranh lạnh, việc phanh phui ra một đường dây gián điệp giữa hai nước thường dẫn đến hành động trục xuất các nhà ngoại giao của Mỹ hoặc Liên Xô. Tuy nhiên, lần này, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố không có ý định trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao Nga nào.
Trong suốt một năm rưỡi qua, Mỹ và Nga đã vượt qua thời kỳ "đóng băng" quan hệ song phương và đang hướng đến một mối quan hệ tin cậy hơn. Những chuyển biến tích cực trong mối quan hệ Mỹ - Nga thời gian gần đây cho thấy, hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới đã đạt được tiến bộ lớn trong các vấn đề cùng quan tâm, từ việc ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên và Iran...
Vì lẽ đó, vụ scandal gián điệp được công bố dù ngay sau chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Nga D.Medvedev vài ngày có chăng chỉ là một "trò chơi" thử thách mối quan hệ Nga - Mỹ đang nồng ấm trở lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.