Một hội nghị được đông đảo nhân dân trong xã Quảng Lưu, Thanh Hóa tham dự và đồng tình ủng hộ, đó là hội nghị giáo dục do Viện KSND, Công an tỉnh Thanh Hóa và chính quyền xã tổ chức nhằm giáo dục 17 đối tượng có liên quan đến việc vu khống, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong một vụ án đã bị TAND tối cao xét xử phúc thẩm.
Từ vụ án hi hữu: đối tượng tố cáo bị hại
Giữa năm 2009, Công an tỉnh Thanh Hóa nhận được đơn của Lê Thị Sen và chồng là Nguyễn Đức Hùng tố cáo bà Nguyễn Thị Lan, 52 tuổi, cùng trú ở xã Quảng Lưu nợ họ hơn 11 tỷ đồng. Theo đơn tố cáo của Sen thì bà Nguyễn Thị Lan đã dùng số tiền trên mua đất đai, mở cây xăng và gửi vào Bà Rịa - Vũng Tàu cho em gái là Nguyễn Nam Phương để bà Phương kinh doanh.
Qua xác minh, CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện có sự bất minh về nguồn tiền bởi vợ chồng Sen đều là nông dân, số tiền hơn 11 tỷ quá lớn so với tài sản của cặp vợ chồng này. Sau đó, Sen xin rút đơn nhưng lại đưa ra một lá đơn khác với nội dung bà Lan nợ mình hơn 1 tỷ đồng, bằng chứng là một giấy vay nợ do bà Lan ký trả nợ cho 11 người giúp Sen.
Trong lúc CQĐT đang xác minh thì tháng 12/2009, bà Nguyễn Nam Phương đưa chị gái là Nguyễn Thị Lan đến tố cáo việc bà Lan bị Lê Thị Sen và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Cơ quan Công an đã làm rõ Lê Thị Sen, Nguyễn Đức Hùng, Trần Ngọc Quảng, Trần Thị Nhung đã lừa đảo, cưỡng đoạt tiền của bà Lan và thi hành lệnh bắt đối tượng trên. Đến lúc đó, các đối tượng mới hối hận và khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Các đối tượng: Trần Ngọc Quảng, Lê Thị Sen, Nguyễn Đức Hùng.
Theo lời khai của các đối tượng thì sở dĩ chúng bày ra trò tố cáo bà Lan vì biết em gái bà Lan là bà Nam Phương là Tổng Giám đốc một doanh nghiệp lớn ở Bà Rịa - Vũng Tàu và rất thương chị gái nên đã rủ bà Lan chơi phường hụi, số tiền đóng cao với ý định chiếm đoạt tiền. Do số tiền đóng hụi cao nên khi bà Lan chưa đủ tiền nộp, các đối tượng trên cho bà Lan vay nợ với lãi suất cao, đồng thời nhập nhèm việc giấy tờ, chứng cứ vay nợ của bà Lan. Khi số nợ lên đến hàng tỷ đồng, các đối tượng trên yêu cầu bà Lan vay mượn người khác và xin tiền của em gái là bà Nam Phương để trả.
Vào tháng 5/2009, bà Nam Phương về quê xây mộ, các đối tượng trên đã cùng nhiều người dân ở xã Quảng Lưu đến đề nghị bà Phương trả tiền thay chị gái của mình. Ngày 12/5/2009, bà Phương đã thay bà Lan trả cho gần 70 người với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Sau cuộc thanh toán nợ trên, ngày 17/5/2009, bà Lan, bà Sen, Trần Thị Khơi… đã đối chiếu sổ sách, thống nhất không ai còn nợ ai đồng nào. Tuy nhiên, từ khi vợ chồng Sen - Hùng và Lê Thị Thắng cùng bà Lan vào Vũng Tàu thăm bà Nam Phương.
Thấy bà Phương có nhiều tài sản, các đối tượng tiếp tục bàn mưu tính kế để chiếm đoạt tiếp. Ngày 9/8/2009, Sen và một số đối tượng đã sắp xếp kịch bản rồi khóc lóc gọi cho bà Lan nói rằng chồng cô ta đi đám ma về say rượu nên rất hung hăng, định đánh vợ. Khi bà Lan sang, các đối tượng vừa năn nỉ, khóc lóc, vừa lớn tiếng dọa nạt ép bà Lan phải ký giấy khống nhận trả nợ thay cho Sen, tổng số tiền là 1,057 tỷ đồng.
Sau khi bà Lan nhận nợ, bà Lan đã trả cho 8 người với tổng số tiền là 298 triệu đồng và suất đất trị giá 65 triệu. Ngoài ra, Sen còn nhờ bà Lan trả thay cho Sen số nợ 2 người khác 190 triệu. Thương chị, ngày 11/9/2009, bà Phương lại đem tiền về Thanh Hóa trả nợ. Lần này, bà Phương đã trả 2,953 tỷ cho nhiều người. Tổng 2 lần, bà Phương đã bỏ ra hơn 10 tỷ đồng để trả nợ thay cho bà Lan...
Đến hội nghị giáo dục phạm nhân
Tại hội trường UBND xã Quảng Lưu, 15 đối tượng (2 đối tượng ốm, không đến được) đã lần lượt đọc kiểm điểm trước đông đảo bà con trong xã và các cán bộ chức năng. Họ đều nhận thức được rằng việc nợ nần tiền bạc là quan hệ giữa họ và Lê Thị Sen không liên quan đến bà Nguyễn Thị Lan và bà Nam Phương nhưng vì thấy bà Nam Phương có nhiều tiền, sẵn sàng trả nợ giúp chị gái nên đã kí vào giấy đòi bà Lan phải trả nợ thay cho Sen. Đã vậy, khi không đòi được tiền từ bà Lan, các đối tượng này còn tham gia kí vào đơn thư để kiện bà Lan...
Tại cuộc họp kiểm điểm này, phía bị hại là bà Nam Phương đã đồng ý tha thứ và rút đơn kiện các đối tượng trên đã vu khống, chiếm đoạt tài sản của mình. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết việc các đối tượng trên nhận thức được những hành vi vi phạm pháp luật của mình và nghiêm túc kiểm điểm trước nhân dân là việc làm đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hậu quả các đối tượng này gây ra là nghiêm trọng nên việc có khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không thì CQĐT vẫn đang xem xét, xử lí theo đúng quy định của pháp luật
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.