(HNM) - Đó là vụ tấn công kép vừa xảy ra tại Oslo, chiều 22-7 (giờ địa phương), khiến gần 100 người thiệt mạng, không chỉ làm rung chuyển Na Uy, quốc gia được mệnh danh là thanh bình nhất châu Âu mà còn chấn động cả thế giới.
Nhằm đúng thời điểm nhân viên công sở bắt đầu rời văn phòng để về nhà, vụ nổ lớn được thực hiện nhằm vào tòa nhà Văn phòng Chính phủ, trong đó có cả Văn phòng của Thủ tướng Jens Stoltenberg cùng một số bộ, ngành khác khiến toàn bộ cửa kính của tòa nhà 17 tầng này vỡ toang. Tòa nhà và trung tâm mua sắm 10 tầng gần đó bị hư hại nặng, thậm chí, cửa kính của những tòa nhà nằm cách đó cả cây số cũng bị vỡ... Vụ khủng bố đã khiến trung tâm thủ đô Oslo ngổn ngang đổ vỡ... Ít nhất 7 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công này.
Khói bốc lên tại Văn phòng Chính phủ Na Uy ở thủ đô Oslo. |
Nhưng, chỉ một lúc sau, tại trại hè của thanh niên Công đảng cầm quyền ở Utoeya, gần Oslo, nơi đang có khoảng 700 người tham dự, một người đàn ông tóc vàng, mang theo nhiều loại vũ khí, gồm súng ngắn, súng máy và súng cưa nòng đã xả súng điên cuồng vào đám đông thanh niên, sinh viên làm ít nhất 80 người thiệt mạng. Tay súng giả danh làm một cảnh sát đi bằng phà từ đất liền ra đảo Utoeya và thông báo hắn đang điều tra các manh mối liên quan đến những vụ nổ. Sau đó hắn yêu cầu mọi người tập hợp thành vòng tròn rồi bắt đầu xả đạn. Đây là một trong những vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Hai vụ tấn công được coi là có liên quan đến nhau vì Thủ tướng J. Stoltenberg cũng có kế hoạch tới thăm trại hè này của giới trẻ.
Sau vụ tấn công kép nêu trên, nhóm khủng bố Ansar al-Jihad al-Alami (những kẻ giúp chiến binh Thánh chiến toàn cầu) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu này; đồng thời nêu rõ, đây là hành động đáp trả việc Na Uy đưa quân tới Afghanistan và đã xúc phạm đấng Tiên tri Muhammad. Những cột khói của tội ác đã bốc cao nhiều giờ trên bầu trời Oslo, nơi vẫn được chọn để trao Giải Nobel Hòa bình hằng năm.
Thế giới đã đồng loạt lên án hành động dã man này. Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lên án mạnh mẽ các vụ tấn công. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen gọi đây là một "hành động ghê tởm". Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jose Manuel Barroso, đã bày tỏ "cực sốc" về vụ việc. Trong ngày 22-7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi lời chia buồn đến Na Uy…
Vụ tấn công ở Oslo cho thấy một lỗ hổng lớn đã hình thành và loang rộng trong nỗ lực chống khủng bố của Mỹ và các nước phương Tây mà Afghanistan là một ví dụ về lỗ hổng đó. Tại quốc gia khu vực Tây Nam Á này, cho dù ngày 22-7, lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) do NATO đứng đầu đã tiêu diệt hơn 50 phần tử khủng bố vũ trang trong một chiến dịch hỗn hợp quy mô lớn giữa binh sĩ nước này và quân đội nước ngoài ở miền Đông, nhưng xem ra chiến dịch cũng chỉ như "muối bỏ bể". Bởi tại chiến trường sỏi đá này, nơi được Washington chọn để phát động cuộc chiến chống khủng bố năm 2001, tàn quân Taliban vẫn đang mạnh lên và gieo rắc nỗi sợ hãi trong khu vực. Sau sự kiện Tổng thống B. Obama công bố kế hoạch rút quân (khi chính quyền sở tại chưa thể kiểm soát được an ninh trong nước), các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp và Canada... cũng đồng loạt công bố quyết định rút quân và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2014. Đây được xem là nhân tố để Taliban và các phần tử khủng bố tận dụng để mở ra nhiều hoạt động mới. Trong bối cảnh như vậy, các phần tử Taliban đã sát hại Jan Mohammad Khan, một trong những cố vấn cao cấp của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai; đồng thời thực hiện các vụ tấn công nhằm vào lực lượng quốc tế và quân đội sở tại. Trong khi đó, sau khi Mỹ cắt khoản viện trợ trị giá 800 triệu USD cho quân đội Pakistan thì Islamabad cũng tuyên bố rút binh sĩ tại gần 1.100 điểm kiểm soát dọc biên giới Pakistan - Afghanistan với nhiệm vụ ngăn chặn hoạt động qua lại biên giới bất hợp pháp. Cuộc triệt thoái quân đội trên biên giới của Islamabad cũng như cuộc rút quân của Mỹ và đồng minh tại Afghanistan đang diễn ra như một mối liên hệ nguy hiểm đã dự báo một tình trạng bất ổn mới.
Rõ ràng, chủ nghĩa khủng bố đã và đang gây những hiểm họa khó lường. Với hai vụ tấn công đẫm máu ở Oslo - chưa thống kê được thiệt hại cuối cùng - cho thấy chủ nghĩa khủng bố là một thách thức đang tỏ ra ngày càng nguy hiểm không chỉ với Mỹ và các đồng minh châu Âu mà còn với tất cả thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.