(HNM) - Hôm nay (18-12), Cúp Bóng đá quốc gia khởi tranh. Tuần tới, Giải VĐQG (V.League 1) và hạng Nhất quốc gia (V.League 2) cũng sẽ khai màn. Trước thềm mùa giải mới, tân Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VPF Phạm Ngọc Viễn đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới về những thay đổi của điều lệ và sự chuẩn bị của BTC nhằm hướng đến một mùa giải thành công.
- Sự ra đời của VPF, mục tiêu cao nhất là đổi mới cách điều hành bóng đá, để chúng ta có được hệ thống giải chuyên nghiệp sạch hơn, hay hơn, thu hút được sự quan tâm và yêu mến của người hâm mộ. Từ bao lâu nay, tiêu cực luôn là vấn nạn nhức nhối của bóng đá Việt Nam, vậy VPF có biện pháp nào để phòng chống, thưa ông?
- Bắt đầu từ mùa giải năm nay, chúng tôi sẽ triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ để phòng và chống tiêu cực. Chúng tôi đã có công văn mời Cục An ninh chính trị nội bộ (Tổng cục II, Bộ Công an) vào cuộc để giúp đỡ cho vấn đề an ninh của giải đấu. Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng đã nhận lời làm cố vấn cho VPF trong vấn đề an ninh. Có sự hỗ trợ này, chúng tôi khá yên tâm trong công cuộc chống tiêu cực của mùa giải mới.
Người hâm mộ sẽ được chứng kiến nhiều trận đấu hấp dẫn và trung thực trong mùa giải mới. Ảnh: Minh Hoàng |
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng triển khai nhiều biện pháp song song để phòng ngừa tiêu cực. Trong cuộc gặp gỡ với các trọng tài ngày 16-12, Ban điều hành đã quyết định nâng chế độ cho các trọng tài lên khá nhiều so với trước. Cụ thể là ở giải Ngoại hạng, trọng tài chính được hưởng mức 8 triệu đồng/trận, trợ lý trọng tài và giám sát nhận 5 triệu đồng/trận. Ở giải hạng Nhất quốc gia, trọng tài chính nhận 5 triệu đồng/trận, trợ lý trọng tài và giám sát nhận 3 triệu đồng/trận. Mức tăng này giúp các trọng tài yên tâm hơn về thu nhập để phần nào tránh được những tác động không hay bên ngoài sân cỏ.
Các giám sát, trọng tài cũng sẽ viết cam kết chống tiêu cực cùng với VPF. Ở mùa giải tới, các đội bóng không còn phải lo tiền ăn ở cho trọng tài, giám sát nữa. Các khoản này sẽ do VPF chi trả, hạn chế được sự tiếp xúc của các đội bóng với đội ngũ này. Về chuyên môn, các trọng tài có thể được trang bị bộ đàm để tăng cường sự phối hợp trên sân cỏ. Đối với các đội bóng, việc đưa ra quy định mức thưởng tối đa là 500 triệu đồng cũng giúp hạn chế tối đa những chuyện cầu thủ lãn công, không đá để đòi tiền thưởng cao mới chịu đá.
- Thế nhưng, một vấn đề cũng gây khá nhiều bức xúc là tình trạng “một ông chủ, hai đội bóng”. Nếu tình trạng này còn xảy ra thì bằng cách này hay cách khác, tiêu cực vẫn sẽ tồn tại?
- Chúng tôi đã quy định rất chặt chẽ về điều này trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, và bắt đầu từ mùa giải 2013, quy định mới sẽ được thực thi. Một ban thẩm định sẽ được thành lập để xem xét về vấn đề này. Ngay từ trước mùa giải 2012, ông bầu CLB Hà Nội Nguyễn Đức Kiên cũng đã bán cổ phần trong Ngân hàng Kiên Long để tránh những chuyện không hay liên quan đến đội K.Kiên Giang.
- VPF dự định thành lập Ủy ban đạo đức với nhiệm vụ thẩm định các trận cầu có nghi vấn tiêu cực, điều này có diễn ra trong mùa giải 2012 không, thưa ông?
- Hiện nay chúng tôi vẫn chưa mời được đủ người cho bộ phận mới này. Khi nào chuẩn bị đầy đủ, chúng tôi sẽ thành lập sau.
- Thưa ông, trong những năm trước, nhiều trọng tài từng nói là họ gặp vấn đề về tâm lý khi bắt những trận đấu có sự tham gia của CLB SHB.Đà Nẵng do Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi là người có liên quan chặt chẽ đến đội này. Vậy, điều tương tự có xảy ra ở mùa giải này khi các trọng tài bắt những trận đấu có sự tham dự của các đội bóng thuộc sở hữu của những ông bầu có chân trong HĐQT như Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng…?
- Hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau, trước đây ông Nguyễn Văn Mùi là người đứng đầu đội ngũ trọng tài và là người trực tiếp phân công nhiệm vụ các trọng tài. Còn bây giờ, đội ngũ trọng tài hoàn toàn thuộc quyền quản lý của Ban trọng tài VFF. Đội ngũ này hoàn toàn độc lập với VPF, các thành viên HĐQT có muốn cũng không tác động được đến các trọng tài. Công việc phân công trọng tài nằm ngoài tầm kiểm soát của VPF nên không phải lo chuyện đó.
- Còn chuyện thành lập Tiểu ban kỷ luật trực thuộc VPF, liệu ban này có đủ công tâm khi nằm dưới sự quản lý của chính các ông bầu không?
- Vấn đề này đã được quy định rõ, Tiểu ban kỷ luật chỉ xử lý những vấn đề nhỏ trong phạm vi giải. Còn những vấn đề lớn liên quan đến Luật Thi đấu, chuyện trừ điểm, lên xuống hạng thì phải do Ban kỷ luật của VFF đảm nhiệm.
- Như vậy, có thể kỳ vọng vào chất lượng mùa giải mới sẽ có nhiều tiến bộ so với những năm trước…
- Thực ra, mùa giải đầu tiên chắc chắn sẽ có nhiều thách thức, chẳng hạn vấn đề tài chính tuy không lỗ nhưng chưa thể lãi nhiều. Các ông bầu cũng đã có những kế hoạch tài chính để tạo nguồn thu trong tương lai, nhưng trước mắt chưa thể công bố.
Cải thiện chất lượng của giải không thể là chuyện ngày một, ngày hai mà phải đòi hỏi cả một quá trình. Khi hệ thống đào tạo trẻ các CLB đi vào quy củ thì chất lượng đầu vào cho V.League sẽ tăng. Trong mùa giải tới, các đội sẽ viết cam kết chống tiêu cực, và khi các đội chơi trung thực, cống hiến hơn thì chất lượng chuyên môn cũng sẽ được nâng lên. Các trận đấu càng hấp dẫn thì sẽ càng thu hút được nhiều khán giả hơn. Tôi mong muốn người hâm mộ và giới truyền thông sẽ ủng hộ để mùa giải đầu tiên dưới sự điều hành của VPF sẽ thành công.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Mong rằng với những biện pháp này, VPF sẽ tạo được một sân chơi bóng đá thực sự “sạch”, đáp ứng đòi hỏi của người hâm mộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.