Theo dõi Báo Hànộimới trên

VPF nên đi theo hướng nào?

Huy Hoàng| 26/10/2011 07:02

(HNM) - Sau cuộc gặp giữa lãnh đạo VFF với đại diện các ông bầu, hướng đi được vạch ra cho VPF là công ty cổ phần.

Thế nhưng, sau khi nhận được những ý kiến tư vấn về những hạn chế của loại hình công ty này, nói cách khác nếu đi theo mô hình này thì Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ đánh mất quyền lực nên cơ quan quản lý bóng đá Việt Nam đã chuyển hướng sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy vậy, cách đặt vấn đề này vẫn chưa nhận được sự đồng ý của đại diện các CLB.

Người hâm mộ trông đợi vào sự thay đổi tích cực của nền bóng đá nước nhà trong thời gian tới. Ảnh: Như Ý

Theo kế hoạch, khoảng cuối tháng 11, VFF sẽ triệu tập cuộc họp hội đồng thành viên VPF để bàn về vấn đề cơ cấu nhân sự trước khi chính thức khai sinh đơn vị quản lý V.League. Tuy nhiên đến thời điểm này, mọi việc vẫn còn ngổn ngang và phải chờ sự đồng thuận giữa các bên. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định, công ty sẽ ra đời khi nhận được sự nhất trí của các bên gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, VFF và các CLB.

Trong cuộc họp giữa Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT và VFF cuối tuần qua, hướng đi cho VPF đã được các bên thống nhất là chuyển đổi từ mô hình công ty cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn. Thuận lợi của việc chuyển đổi này là: Hạn chế chuyển đổi cổ phiếu ra ngoài để có thể nắn giải đấu không đi chệch quỹ đạo; Phù hợp với Luật Doanh nghiệp sửa đổi theo lộ trình Việt Nam cam kết khi gia nhập WTO; Có thể chuyển nhượng vốn chỉ sau 1 năm thay vì bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian 3 năm với công ty cổ phần; Thuận lợi hơn khi huy động vốn từ bên ngoài thay vì bị khống chế khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 đợt phát hành cổ phiếu là 6 tháng; Mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn là mô hình chung của nhiều giải chuyên nghiệp trên thế giới.

Trong điều kiện ở Việt Nam, một điều chắc chắn là VFF sẽ không thể thả nổi giải đấu cho các ông bầu mà vẫn phải có sự giám sát, ít nhất là trong thời gian đầu. Bởi lẽ, V.League là giải đấu quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến một bộ phận xã hội cũng như bộ mặt của bóng đá nước nhà (ĐTQG và ĐT các lứa tuổi trẻ). Thế nên, trong chỉ đạo của mình, các cơ quan quản lý nhà nước đều yêu cầu VFF phải giữ được thế chủ động trong cuộc chơi với các CLB. Điều này cũng có nghĩa là VFF không thể chấp nhận mô hình công ty cổ phần, vốn dành quyền khá lớn cho các CLB.

Trong khi đó, các CLB lại không đồng ý chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn, mô hình mà vai trò của chủ tịch công ty quá lớn, có thể quyết định mọi việc thay vì quyết định dựa trên ý kiến tập thể như công ty cổ phần. Tất nhiên, khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn thì vị trí chủ tịch đương nhiên phải thuộc về VFF và như thế sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào so với trước đây. Ngay cả ông bầu Nguyễn Đức Kiên, đại diện cho các ông bầu, cũng khẳng định mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn không làm giảm bớt rủi ro cho VPF mà điều quan trọng là yếu tố con người. Và chỉ khi giữa các bên có tiếng nói bình đẳng thì mới có sự giám sát lẫn nhau để V.League tốt lên.

Tình hình như hiện nay, có lẽ VFF sẽ lại phải có cuộc họp tiếp theo với đại diện các CLB để tìm tiếng nói chung. Bằng không, sự ra đời của VPF vẫn sẽ phải lùi lại, đồng nghĩa với giải VĐQG 2012 có thể chậm ngày khai mạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VPF nên đi theo hướng nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.