Theo VPF, bên cạnh việc bắt tay với truyền hình, nâng giá trị hợp đồng lên 10 tỷ đồng, AVG cần cho thấy thêm thiện chí bằng cách rút ngắn thời hạn hợp đồng còn 3 năm thay vì 20 năm như đã ký với VFF.
Đại diện VPF khẳng định, trước sau như một, trong cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam với VFF và AVG, họ duy trì ba quan điểm: V-League, hạng Nhất, Cup Quốc gia được truyền hình trực tiếp nhiều nhất; Số tiền mà bóng đá Việt Nam nhận được phải cao hơn con số mà AVG đang trả (6 tỷ đồng/năm, lũy tiến 10% theo năm); Thời hạn của hợp đồng chỉ là ba năm.
AVG chấp nhận chia sẻ bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam với VTV và VTC. |
“Chúng tôi đấu tranh đến cùng về ba quan điểm này. Ở đề nghị thứ hai, chúng tôi có đặt vấn đề với AVG rằng, giá trị thương quyền các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam không thể thấp hơn 10 tỷ đồng một năm”, đại diện VPF đề nghị không nêu tên cho biết.
Sau rất nhiều tranh cãi, AVG đã chấp nhận chia sẻ thương quyền các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam cùng VTV và VTC. Chiều ngày 6/3, AVG, VTV và VTC đã ngồi lại với nhau bàn cách chia sẻ và khai thác các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam. Theo đó ba bên đã thống nhất chia sẻ thương quyền theo tỷ lệ: VTV 40%, VTC và AVG mỗi bên 30%.
Ở mỗi vòng đấu, các bên sẽ chia sẻ sóng sạch cho nhau. VTV sản xuất bốn trận, AVG và VTC sản xuất ba trận. Trước mỗi vòng đấu, các bên sẽ tiến hành bốc thăm chọn trận sản xuất. VPF cho biết điểm nhấn lớn nhất của cuộc gặp ba bên AVG - VTV - VTC là bộ ba này thống nhất trả 10 tỷ đồng một năm cho bản quyền truyền hình thay vì mức 6 tỷ đồng như đang trả cho VFF.
“10 tỷ đồng một năm là cho chỉ riêng các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam hay bao gồm cả thương quyền các đội tuyển? Chúng tôi đang đợi thông tin chính thức từ AVG rồi lấy ý kiến các CLB để đưa ra quan điểm của mình”, đại diện VPF tỏ ra dè dặt.
Sau nhiều tranh cãi căng thẳng, việc AVG bắt tay truyền hình, nâng giá trị hợp đồng được cho là thiện chí trong mối quan hệ với VPF. “Trong ba quan điểm mà chúng tôi đưa ra, họ đã chấp nhận hai điểm. Bằng việc bắt tay với truyền hình, các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam sẽ đến với người hâm mộ một cách nhiều nhất. Nâng giá trị hợp đồng lên 10 tỷ đồng một năm, nếu chỉ đối với các giải đấu chuyên nghiệp, thì đúng bằng mức tối thiểu mà chúng tôi đề nghị. 6 tỷ và 10 tỷ không chênh lệch quá lớn nếu đem chia đều cho các CLB. Mấu chốt ở đây là thời hạn của hợp đồng. 20 năm là quãng thời gian khủng khiếp, gây tổn hại cho bóng đá Việt Nam. Quỹ thời gian của bản hợp đồng mà AVG và VFF đã ký chỉ là ba năm, đó là điều mà bóng đá Việt Nam mong đợi. Chúng tôi sẽ bảo vệ quan điểm này tới cùng, theo cách của mình”, vẫn lời vị đại diện VPF.
Hôm nay VPF có cuộc họp với 15 tỉnh thành phía Nam có đội bóng dự giải hạng Nhất và V-League để bàn về công tác bảo đảm an ninh trật tự cho các trận đấu. Ngày 8/3, tại TP HCM, Hội đồng Quản trị VPF họp mở rộng với khách mời là Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. Sau cuộc họp này, Công ty này sẽ đưa ra các quan điểm về những động thái mới từ AVG, đồng thời thống nhất các bước tiếp theo của “cuộc chiến” bản quyền truyền hình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.