Theo dõi Báo Hànộimới trên

VPF đối diện với thử thách

Theo Vnexpress| 06/12/2011 16:35

Ngày 6/12, công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF nhận giấy phép thành lập. VPF đang chập chững đi những bước đầu tiên, nhưng từ lúc này nền bóng đá Việt Nam đã phải đối diện với áp lực để thay đổi.

Trong dự báo về tài chính của VPF, con số lỗ trong mùa bóng đầu tiên mà công ty này đứng ra tổ chức các giải đấu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là 10 tỷ đồng. Nhưng kiếm tiền chưa phải là phần việc duy nhất VPF phải bắt tay vào làm, mà như lời Phó Chủ tịch VFF, dự kiến sẽ là CEO của công ty, ông Phạm Ngọc Viễn, chất lượng giải V-League mới là đích nhắm đầu tiên của VPF.

Nỗ lực điều chỉnh bức tranh cầu thủ nội - ngoại trong làng bóng đá Việt Nam của VFF và VPF đang vấp phải sự phản đối của nhiều CLB. Ảnh: An Nhơn.


Những thay đổi đầu tiên đang được bàn thảo để đưa vào áp dụng trong thực tế, nhưng không phải chủ trương nào của nhóm VPF đưa ra cũng nhận được sự nhất trí cao từ phía các CLB.

Một trong những chủ trương khiến các CLB băn khoăn là yêu cầu mỗi CLB phải có trong danh sách ít nhất 5 cầu thủ độ tuổi U21. Không phản đối việc tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ, nhưng các CLB bắt đầu lo chất lượng đội hình. Cầu thủ trẻ không đủ kỹ thuật cá nhân và còn quá non kinh nghiệm thi đấu so với mặt bằng đội hình hiện tại khiến các HLC cầm quân chưa hình dung được họ sẽ vá đội hình theo cách nào.

Phản ứng chung của các CLB đều giống nhau: sợ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của đội bóng, dẫn đến không đủ sức cạnh tranh trên sân chơi V-League. Mỗi mùa bóng, các CLB đều được nhà tài trợ giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đi kèm với các mức tiền thưởng. Không hoàn thành chỉ tiêu nghĩa là những khoản tiền theo đó mà bay đi. Chính điều này khiến các đội bóng, các HLV sống chết chọn lựa ngoại binh giỏi, tranh nhau nội binh và lao vào cuộc chạy đua về giá trên thị trường chuyển nhượng.

Tương tự, khi VPF phát đi tín hiệu giảm cầu thủ ngoại, nhất là bỏ ngoại binh hoàn toàn khỏi giải hạng Nhất, tạo sân chơi bước đệm cho các cầu thủ trong nước, lập tức xuất hiện sự phản đối của các CLB ở nhóm này.

Ông Lâm Văn Nhường - Giám đốc điều hành CLB FC Tây Ninh cho biết: “Chất lượng ĐTQG và U-23 QG hạn chế không hẳn do các CLB sử dụng quá nhiều ngoại binh. Tôi cho rằng ở bất kỳ giải đấu nào, ngoại binh thi đấu sẽ nâng cao chất lượng, sự cạnh tranh và học hỏi cho cầu thủ nội. Tôi buồn vì nhiều CLB quá lạm dụng nguồn cầu thủ ngoại mỗi khi ra sân. Không nên cắt hẳn số ngoại binh thi đấu ở giải hạng Nhất mà chỉ nên giảm ở một mức độ nào đó, có thể cho đăng ký 2 và thi đấu 1 người. Nếu không cho ngoại binh đá sẽ không thu hút được người xem và các nhà tài trợ cho đội bóng”.

Cùng chung ý kiến với ông Nhường còn có Giám đốc điều hành Nguyễn Khắc Tiệp của CLB Than Quảng Ninh. Ông này cho rằng bỏ ngoại binh sẽ khiến cho chất lượng giải kém, không còn hấp dẫn người hâm mộ.

Tuy nhiên, ông Tiệp còn nêu ra khó khăn mà chính sách bỏ cầu thủ ngoại và sử dụng toàn cầu thủ nội từ năm 2013 ở giải hạng Nhất đem lại. Đó là việc các CLB chưa kịp bổ sung, thay thế nguồn nhân lực mới. “Việc gạt bỏ ngoại binh ra ngoài cuộc chơi khiến nhiều CLB bị xáo trộn trong công tác chiêu mộ, tuyển chọn lực lượng hiện tại. Mùa giải mới sắp diễn ra, CLB của chúng tôi đã ký hợp đồng với những cầu thủ ngoại từ 2 năm trở lên. Vì quy chế mới này nên chúng tôi rất khó khăn trong điều chỉnh lại bản hợp đồng đã ký vì phải đi kèm thêm phụ lục dự phòng, thậm chí có thể mất cầu thủ chất lượng vào cuối mùa sau một khi quy chế lại có sự thay đổi. Tôi cho rằng nên giữ nguyên như cũ”, ông Tiệp bức xúc.

Bập vào việc thay đổi, VFF và VPF đang chịu sức ép từ guồng quay cũ của bóng đá Việt Nam. Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng - người dự kiến sẽ là Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF - từng đề cập đến những mục tiêu dài hạn. Trong đó, cùng với chính sách giảm cầu thủ ngoại, tăng cơ hội cho cầu thủ trẻ và cầu thủ gốc Việt, VFF còn chuẩn bị các văn bản yêu cầu các CLB chú trọng đến đào tạo và sử dụng các tuyến trẻ. Theo đó, từ mùa bóng 2012, tất cả các CLB phải có đủ 4 đội trẻ các lứa U-15, U-17, U-19, U-21 và tham dự 3/4 giải các lứa tuổi quốc gia; từ mùa 2015 phải có đội dự đủ cả 4 lứa tuổi. Nếu không chấp hành điều này sẽ có chế tài xử phạt năng về kinh tế lên tới vài trăm triệu đồng.

Đây là chính sách nhằm tiến tới tạo nguồn lực mới đủ sức thay máu cho bóng đá Việt Nam trong vài năm tới. Trong điều kiện hiện nay, làng bóng đá trong nước phải chấp nhận thời kỳ quá độ để chuyển đổi cách làm, cũng như chờ đủ thời gian để cách làm mới phát huy hiệu quả. Chỉ có điều, lúc này không phải CLB nào cũng sẵn sàng làm triệt để theo những chính sách đổi mới khi vẫn còn vấn vương những lợi ích từ mô hình cũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VPF đối diện với thử thách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.