Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vòng xoáy thù hận và thách thức hòa bình

Vân Khanh| 07/08/2014 06:29

(HNM) - Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong hơn 6 thập kỷ qua, kể từ khi đất nước Israel được thành lập trên phần đất Palestine lịch sử khiến người Palestine mất quê hương.


Nhưng có một điều dường như chưa thể đổi khác. Bạo lực đẫm máu vẫn như một vòng xoáy nghiệt ngã cuốn theo dải đất Gaza nhỏ bé với số dân không quá 1,5 triệu người. Gần 1.884 người thiệt mạng, 9.567 người bị thương và 10.080 ngôi nhà bị phá hủy trong các trận oanh kích và tấn công của bộ binh Israel ở Gaza trong 29 ngày qua. Dù một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời kéo dài 72 giờ đã có hiệu lực sau nhiều cam kết tương tự bị phá vỡ, nhưng tương lai của miền đất ven bờ Địa Trung Hải này cũng như triển vọng của một nền hòa bình bền vững tại khu vực tiếp tục bị thách thức nghiêm trọng bởi các hành động quân sự của Israel mà phía Palestine và nhiều tổ chức nhân quyền gọi là tội ác chiến tranh.

Thường dân Palestine tại Gaza đã trở thành nạn nhân từ các vụ tấn công của Israel.


Tel Aviv tuyên bố rút toàn bộ binh sĩ khỏi Gaza và kết thúc chiến dịch trên bộ sau khi đã hoàn tất việc phá hủy các đường hầm của Phong trào Hồi giáo Hamas. Chưa bàn đến độ xác thực của việc hệ thống đường ngầm được Hamas sao chép thành công từ hình mẫu của nhóm Hezbollah ở Lebanon có bị đánh sập hoàn toàn hay không, nhưng ít nhất những động thái đó được kỳ vọng sẽ dẫn đến một lối thoát cho cuộc xung đột vô nghĩa này. Tel Aviv khẳng định chiến dịch quân sự rầm rộ của họ nhằm tấn công vào hang ổ Hamas. Nhưng những gì mà thế giới được chứng kiến lại là cái chết thương tâm của thường dân vô tội, những đớn đau của bao gia đình có người thân bị bom đạn cướp đi, những khuôn mặt trong trẻo nhưng bất động của nhiều trẻ em vùi trong đống đổ nát dài bất tận khắp các con phố. Israel tuyên bố họ đã chiến thắng trong cuộc chiến lần này. Chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã làm thỏa cơn khát bạo lực của những lực lượng cực đoan theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionism). Tel Aviv cũng chứng minh rằng họ không chùn tay cũng như bất chấp tất cả những quy chuẩn nhân đạo để xả súng và đàn áp người Palestine như vẫn làm hơn sáu chục năm qua. Nếu xét về thực lực quân sự, một thắng lợi cho đội quân có tiềm lực đứng thứ 11 thế giới trước đối thủ Palestine vũ trang thô sơ là chuyện không phải nghi ngờ. Tuy nhiên, đằng sau những làn đạn nhằm thể hiện oai lực của kẻ mạnh, Israel cũng phải đối mặt với những chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, thậm chí từ những quốc gia phương Tây gần gũi với Tel Aviv. Sau Anh, Tây Ban Nha là quốc gia Châu Âu thứ hai ra thông báo sẽ ngừng việc xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự cho Israel nhằm phản đối các hành động đẫm máu làm gần 2.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó chủ yếu là thường dân tại Gaza. Quyết định của hai đối tác Châu Âu này chưa hẳn sẽ gây thương tổn cho khả năng tấn công của quân đội Do Thái nhưng đã cho thấy rõ ràng những tổn thất ngoại giao mà Israel đang đối mặt liên quan đến các chính sách cứng rắn, không tuân thủ các cam kết và luật pháp quốc tế của mình.

Ngay cả với mục tiêu thị uy để buộc Hamas và người Palestine run sợ thì cũng không có nhiều ý kiến tin rằng Tel Aviv đã dập tắt được ý chí phản kháng của một dân tộc. Ngược lại, bằng những hành động giết chóc, Israel đã tiếp tục nuôi dưỡng lòng thù hận cho một thế hệ người Palestine mới khi những đứa trẻ non nớt ngày ngày nhìn thấy cảnh người thân của mình chết gục trong bom lửa. Sự căm phẫn này cũng lan rộng mạnh mẽ trong thế giới Arab và được cho là nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng ảnh hưởng của các nhóm Hồi giáo cực đoan tại khu vực vốn coi chính quyền Do Thái là kẻ thù không đội trời chung. Vì thế, thay vì thu hẹp hiềm khích truyền kiếp giữa người Do Thái và Hồi giáo, vòng xoáy oán hận thêm một lần được mở rộng cuốn cả khu vực vào hố sâu bất ổn. Chừng nào người Arab chưa nhìn thấy thiện chí của Israel trong việc giải quyết cuộc xung đột dai dẳng với người Palestine thì chừng đó, Trung Đông chưa yên bình. Thế nên, không sai khi cho rằng những bất công mà người Palestine đang phải gánh chịu là gốc rễ cho mọi sự chia rẽ, đụng độ và gây dựng quyền lực tại khu vực. Do vậy, Israel có thể chiến thắng trong một trận chiến nhưng điều đó không mang lại cho người dân nước này hòa bình và yên ổn. Một giải pháp chính trị trên tinh thần luật pháp quốc tế và công nhận sự tồn tại song song giữa hai nhà nước Israel và Palestine là chiếc chìa khóa duy nhất mở cánh cửa dẫn tới hòa bình lâu dài cho hai dân tộc và cả khu vực Trung Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vòng xoáy thù hận và thách thức hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.