(HNM) - Thế giới vừa đi qua năm 2011 trong thiên tai, nợ nần, suy thoái và lạm phát... Thế nhưng, thật khó tưởng tượng là tất cả những khó khăn mà nhân loại vừa vượt qua có lẽ mới chỉ là sự khởi đầu. Báo cáo "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2012" vừa được Liên hợp quốc (LHQ) công bố trong những ngày đầu năm mới đã khẳng định điều đó.
Cảnh báo của LHQ là sự thừa nhận khó khăn toàn cầu đầu tiên của cơ quan lớn nhất hành tinh về thực trạng kinh tế thế giới hiện nay. Đương nhiên, đây còn là lời kêu gọi nỗ lực chung của các quốc gia trong cuộc vượt thoát mang tên thế kỷ. Cảnh báo một đợt suy thoái mới trong năm 2012 này của LHQ khẳng định nhiều dự báo từng được đưa ra trước đó rằng những cơn giông tố mới vẫn đang chờ đợi con tàu kinh tế thế giới.
Thời gian qua, những hình ảnh về cuộc sống của người dân nhiều nước dưới thời thắt chặt chi tiêu đã hoàn tất bức tranh toàn cảnh kinh tế tối màu của năm cũ. Mặc dù vậy, hiệu ứng của cơn khủng hoảng nợ đang tiếp diễn ở Châu Âu, sự hồi phục chậm chạp của kinh tế Mỹ, đà tăng trưởng chậm lại tại nhiều quốc gia mới nổi... cho thấy rất có thể những điều đó chưa là gì trong bối cảnh cỗ xe kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ phải "cài số lùi" trong hai năm tới. Với quá nhiều trắc trở hiện có, lý tưởng nhất thì tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2012 chỉ đạt 2,6% và năm 2013 cũng chỉ nhích thêm đôi chút là 3,2%. Một khác biệt rất rõ khi số liệu này là 4% năm 2010, thời điểm nhân loại vừa ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ.
Những người lạc quan nhất cũng cho rằng, cho dù thế giới có tăng trưởng đi nữa cũng chưa hết toan lo. Báo cáo của LHQ chỉ ra rằng, tỉ lệ đã rất thấp này chỉ có thể đạt được nếu Châu Âu ngăn chặn được sự lây lan của căn bệnh nợ công và nhiều quốc gia phát triển ngưng các biện pháp chi tiêu khắc khổ. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn trong hai năm tới bất cứ lúc nào cũng có thể tuột khỏi tầm tay trước thực tế là Cựu lục địa ngoài thảo luận và họp hành đã chưa có được một kế sách mang tính thực tế để dập tắt thảm họa nợ công vừa khiến tới 9 quốc gia Châu Âu bị Hãng S&P (Mỹ) đánh tụt hạng tín nhiệm tín dụng.
Tê liệt về chính sách, Châu Âu sẽ giảm phát trong năm 2012 là quá rõ nếu như không có điều thần kỳ nào xảy ra. Điều này xem ra khó có thể đến từ nước Mỹ. Cho dù những tin vui về sự khởi sắc của nền kinh tế trong quý IV từ xứ Cờ hoa đã giúp nhen nhóm ít nhiều lòng tin của các nhà đầu tư đang tụt dốc thê thảm khắp các thị trường, song tăng trưởng yếu, cầu thấp, nợ công lớn... vẫn là những rủi ro buộc cường quốc số 1 thế giới khó có thể để mắt tới đồng minh bên kia Đại Tây Dương khi đang phải tự lo thân.
Đến thời điểm này, đã có quá nhiều tin tưởng vào các quốc gia đang phát triển hàng đầu khi trở thành động lực thúc đẩy đà hồi phục mong manh của kinh tế toàn cầu. Không ai phủ nhận những đại gia mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil... là những con át chủ bài trong kịch bản thời hậu khủng hoảng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng "chậm dần đều" của kinh tế các quốc gia này phát đi dự báo về một vòng xoáy suy thoái đầy nguy hiểm sẽ tiếp tục khuấy động trong năm 2012 và 2013, có khả năng tác động đến mọi chủ thể trong đời sống kinh tế cực kỳ hỗn tạp nhưng phụ thuộc lẫn nhau rất cao trong thời toàn cầu hóa. Và, một ảnh hưởng dây chuyền là không thể tránh khỏi. Đó là chưa tính đến thực trạng bản thân những nền kinh tế mới nổi cũng đang vấp phải nhiều vấn đề nội tại như phát triển quá nóng và lạm phát cao. "Sự leo thang của khủng hoảng sẽ không chừa bất kỳ quốc gia nào. Các nước đang phát triển có thể hy vọng điều tốt nhất nhưng nên chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất", khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cách đây chưa lâu đã ám chỉ một tương lai mệt mỏi là những gì diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 có nguy cơ tái diễn, thậm chí với cấp độ mạnh hơn trong thời gian tới. Nếu dự đoán này thành hiện thực, sẽ là cực kỳ khó khăn cho cả thế giới để một lần nữa thoát ra khỏi cơn suy thoái thứ hai trong vòng chưa đầy 4 năm giữa lúc các quốc gia phát triển từng đóng vai trò mạnh thường quân của cuộc thoát hiểm lần trước đều đang gặp khó về tài chính, trong khi những trụ cột đang lên lại có ít cơ hội thương mại hơn.
Thế giới mới bước vào những ngày đầu của năm 2012. Vẫn còn cơ sở để hy vọng rằng sự nhìn nhận đúng đắn về các thách thức cũng như quyết tâm hợp tác mới phát đi từ trụ sở LHQ ở New York sẽ giúp những tia sáng hồi phục có thể xuyên qua đám mây dày khủng hoảng đang che phủ nền kinh tế toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.