(HNM) - Những ngày vừa qua, giá vàng liên tiếp
Vì sao thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán… lại có nhiều cơn sóng ảo như vậy? Có rất nhiều nguyên nhân, từ tâm lý "bầy đàn" nhà nhà tích trữ vàng, người người buôn bất động sản, chơi chứng khoán đến chuyện thổi thông tin, làm giá của giới đầu cơ… Trong vòng xoáy "điên đảo" ấy, ai là kẻ chiến thắng, ai là người thua thiệt?
Giá vàng thế giới liên tiếp lập kỷ lục, khiến không ít người chóng mặt và rồi hội chứng "đám đông" một lần nữa bùng phát. Hiệu ứng của nó là sự tăng giá đầy nghi hoặc: Có lúc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 2 triệu đồng/lượng, các bảng giá thay đổi liên tục và mức chênh giá giữa các cửa hàng cũng rất lớn: 600.000 - 800.000 đồng/lượng. Bất chấp khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước, người ta đổ xô vào vòng xoáy kim tiền. Giá vàng trong nước có lúc lên tới 45,00- 45,60 triệu đồng/lượng, thế nhưng vẫn có người vác cả bao tải tiền đến cửa hàng vàng... Lý giải hiện tượng vàng bị đẩy giá, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định: Ngoài nguyên nhân nguồn cung khan còn do giới kinh doanh làm giá. Cũng không loại trừ giới kinh doanh làm thương hiệu với các chiêu thức khác nhau nhằm kích thích sức mua từ những người có tiền nhàn rỗi…
Thị trường bất động sản cũng đã từng "điên đảo" một thời bởi những cơn "sốt nóng", bởi sự thiếu thông tin và ở một khía cạnh nào đó, có thể gọi là "nhiễu" thông tin trong tất cả các khâu: từ đầu tư, tạo lập bất động sản đến giao dịch, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê… Sự lộng hành của giới đầu cơ, môi giới với đủ kiểu mánh mung, kiếm chênh lệch, tung thông tin ảo, găm hàng tạo "sóng"… đã tạo ra không ít hệ lụy. Khi người dân - người có nhu cầu mua nhà thật sự chỉ có thể tiếp cận được những dự án chào bán công khai, thường là nhà cao cấp với cái giá ngất ngưởng, thì các loại dự án khác hầu như đều bị gây "nhiễu" nên đành chấp nhận "ngậm bồ hòn". Sự "nhiễu loạn" còn thể hiện cả ở thị trường sơ cấp: giao đất, cho thuê đất… Giá nhà đất bị đẩy lên quá cao đã nhấn chìm giấc mơ sở hữu một "mái ấm" của người làm công ăn lương, người có thu nhập thấp... Và không chỉ có vậy.
Thị trường chứng khoán một thời cũng xoáy trong "nhiễu loạn". Có người bán nhà, bán ruộng, mang cả bao tải tiền đến sàn giao dịch để rồi ngậm "quả đắng". Các nhà đầu cơ tung thông tin gây "nhiễu", nhiều cổ đông đã bị lòe bịp bởi đủ kiểu mánh mung. Không ít công ty đưa ra những con số ảo, lỗ biến thành lời, đẩy giá cổ phiếu tăng, rồi bán ra kiếm lợi. Nhà đầu tư nhỏ không có điều kiện để tìm hiểu nên chỉ cần một tin đồn cũng tạo nên hội chứng "bầy đàn". Đến khi có thời gian kiểm chứng thông tin thì chuyện đã rồi. Các đại gia chứng khoán đã lợi dụng triệt để hội chứng này và không ít chuyện "cười ra nước mắt" đã xảy ra trên sàn giao dịch khi ai đó khuynh gia bại sản vì tiền thật biến thành tiền ảo… Và những câu chuyện trong cảnh người người chơi chứng khoán không dừng lại ở đó.
Những dấu hiệu làm giá, đẩy thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán… vào cảnh "đảo điên" cùng hội chứng "bầy đàn" đã nhiều lần được các nhà phân tích, các nhà quản lý nhận diện. Thế nhưng để hạn chế, và từng bước loại bỏ những vòng xoáy bất ổn này ra khỏi đời sống xã hội lại là cả vấn đề, đòi hỏi sự tỉnh táo của mỗi người dân cùng sự điều hành đồng bộ, linh hoạt của nhiều cấp quản lý, nhiều ngành chức năng. Rất khó nhưng đây là việc phải làm. Trong lúc nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, không lẽ nhiều dòng tiền cứ bị hô "biến" thành "con lợn đúc ống". Chưa kể những hệ lụy, rủi ro mà cả nền kinh tế phải gánh chịu trong lúc mọi người đang gắng gượng khắc phục khó khăn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.