(HNM) - Dù còn gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng Ngân hàng Chính sách - Xã hội (NHCSXH) huyện Mê Linh đã vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Một hộ gia đình tại xã Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) đã thoát nghèo nhờ vay vốn. Ảnh: Sơn Tùng |
Mê Linh là một huyện thuần nông, với trên 70% hộ dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, nhất là đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách. Trong 10 năm qua, NHCSXH huyện đã giải quyết được một phần khó khăn của người dân, cho nông dân vay vốn để phát triển sản xuất. NHCSXH đã tổ chức nhanh chóng, kịp thời, vốn đến đúng đối tượng. Nhờ vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ gia đình nghèo đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất bánh đa nem, làm mì gạo, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; đến nay đã trả nợ đủ cả lãi và gốc, vươn lên thoát nghèo như gia đình các anh Đỗ Văn Mậu, Đỗ Văn Chung, Phan Văn Phú... Ngoài ra, NHCSXH huyện còn phối hợp với Hội Phụ nữ xã Tiến Thịnh tổ chức tập huấn cho cán bộ hội, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, nhằm nâng cao trình độ, nghiệp vụ quản lý vốn, nâng cao chất lượng ủy thác.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH huyện Mê Linh Nguyễn Văn Thắng cho biết: Để đồng vốn tín dụng ưu đãi đem lại hiệu quả cao, NHCSXH huyện thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền; lồng ghép giữa chương trình tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông và chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Sau 10 năm hoạt động, NHCSXH huyện đã trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Cách thức giải ngân được đơn vị tổ chức thực hiện đúng quy trình, nghiệp vụ và rất chặt chẽ. Khi có nguồn, đơn vị họp ban đại diện, thông báo đến các tổ chức chính trị, xã hội. Hiện tại, Hội Phụ nữ xã đã thành lập được 313 tổ tiết kiệm - vay vốn và NHCSXH đã giải ngân qua ủy thác cho 8.289 lượt hộ gia đình. Thời gian đầu chỉ có 41 hội đoàn thể cấp xã nhận ủy thác, đến nay, NHCSXH huyện Mê Linh đã mở rộng ủy thác lên 52 hội đoàn thể cấp xã. Trong giai đoạn 2003 - 2012, NHCSXH huyện đã cho 27.746 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.
Trong đó cho vay hộ nghèo là 16.592 hộ; giải quyết việc làm cho 3.210 hộ; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 3.940 hộ; học sinh, sinh viên 3.428 lượt hộ và cho 405 hộ vay hỗ trợ về nhà ở. Tính đến 31-12-2012, tổng nguồn vốn huy động và quản lý của NHCSXH đạt gần 163 tỷ đồng, tăng 143 tỷ đồng, gấp 8,3 lần so với dư nợ, đạt hơn 160 tỷ đồng, tăng hơn 140 tỷ đồng so với thời điểm năm 2003. Từ nguồn vốn của NHCSXH huyện đã giúp cho 7.076 hộ thoát nghèo, giải quyết cho trên 10.000 lao động có việc làm, hỗ trợ vốn cho 4.180 học sinh, sinh viên có tiền trang trải chi phí học tập... Điển hình là gia đình chị Đàm Thị Viên, ở thôn Yên Thị, xã Tiến Thịnh. Trong căn nhà đơn sơ, nhưng ngăn nắp, sạch sẽ, anh chị không giấu được niềm vui: "Nhờ có NHCSXH huyện cho vay gần 100 triệu đồng, thì gia đình tôi mới nuôi được 3 con ăn học". Hiện, các con của anh chị đã tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, Học viện Tài chính, Cao đẳng Kỹ thuật y tế Hải Dương và đều có công ăn, việc làm.
Để từng bước xã hội hóa công tác xóa đói giảm nghèo, thời gian tới, NHCSXH huyện đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng gắn với an toàn nguồn vốn; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thu hồi lãi và gốc; kiên quyết xử lý những trường hợp nợ quá hạn, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.