(HNM) - Những năm qua, cùng với cả nước, các cơ quan chức năng và nhân dân thành phố Hà Nội luôn hết lòng giúp đỡ, tận tình chăm sóc nạn nhân da cam/dioxin. Nhờ đó, theo năm tháng, đến dịp nhìn lại 60 năm xảy ra thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021), nỗi đau mang tên da cam đã vơi dịu.
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội, sau các cuộc kháng chiến, hơn 50.000 người dân trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Góp phần xoa dịu nỗi đau này, nạn nhân da cam và gia đình họ luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo về nhiều mặt của các cấp, ngành thành phố.
Về chế độ, chính sách, các cơ quan chức năng đã giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng cho gần 21.000 người bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ. Đặc biệt, năm 2015, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, với cơ sở tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì) và phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây). Giám đốc Trung tâm Trần Đăng Khoa cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, trung tâm thường xuyên chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho hơn 100 nạn nhân là con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn thành phố.
Để chăm lo đời sống cho nạn nhân và gia đình họ, các cơ quan chức năng từ thành phố tới cơ sở đã quan tâm vận động, huy động nguồn lực để hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, nhà ở, việc làm, khám, chữa bệnh… Trong đó, giai đoạn 2014-2020, các cấp Hội Nạn chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội đã vận động được gần 70 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 150.000 lượt nạn nhân. Từ đầu năm 2021 đến nay, việc huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ hội viên tiếp tục được các cấp hội thực hiện, tạo điều kiện cho nhiều người vượt khó vươn lên.
Đón nhận nhà ở mới vào giữa tháng 7-2021, ông Nguyễn Hữu Thực, thôn Yên Bài, xã Tự Lập (huyện Mê Linh) chia sẻ: “Ngôi nhà của gia đình tôi do các nhà hảo tâm và các cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng, thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Mê Linh. Từ khi có nhà ở mới, cuộc sống của gia đình tôi ổn định hơn”.
Điều đáng kể, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do các cấp Hội Chữ thập đỏ phát động hằng năm cũng thu hút hàng nghìn tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền mặt, hàng hóa để giúp đỡ nạn nhân da cam. Riêng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã trao hơn 148.000 suất quà đến hộ nghèo, nạn nhân da cam, với tổng kinh phí hơn 65 tỷ đồng... Nhận được sự quan tâm, chăm lo thường xuyên về nhiều mặt, đến nay, Hà Nội cơ bản không còn gia đình có nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin thuộc diện hộ nghèo.
Mặc dù nhận được sự quan tâm, chăm lo thường xuyên, song do di chứng để lại nặng nề, dai dẳng, cuộc sống của một số gia đình có thành viên là nạn nhân da cam vẫn gặp nhiều khó khăn...
Nhằm xoa dịu nỗi đau da cam, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chăm sóc các nạn nhân và gia đình họ bằng những hành động, việc làm thiết thực. Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu, các cấp hội Chữ thập đỏ tập trung đưa phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” phát triển theo chiều sâu, phấn đấu tặng khoảng 100.000 suất quà/năm cho người nghèo, nạn nhân da cam.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại ở phía sau”, hơn 500 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trên địa bàn huyện luôn nhận được sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần...
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, UBND thành phố đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, cơ sở ở phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây). Công trình đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, với công năng chính là tẩy độc cho nạn nhân.
Còn Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội Trần Văn Quang thông tin, giai đoạn 2021-2025, Hội sẽ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, mở rộng hội viên. Phấn đấu đến năm 2025, 90% số xã, phường, thị trấn ở Hà Nội có tổ chức hội với khoảng 30.000 hội viên (hiện tổ chức hội mới “phủ sóng” hơn 60% số xã, phường, thị trấn, với gần 25.000 hội viên). Cũng trong giai đoạn này, các cấp Hội phấn đấu xây dựng quỹ chăm sóc nạn nhân đạt 55 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 200 ngôi nhà; khám, cấp thuốc miễn phí cho 10.000 lượt nạn nhân…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.