(HNM) - Liên đoàn Xiếc Việt Nam dành 7 tháng để dàn dựng vở diễn
Một tiết mục trong vở kịch xiếc “Sông trăng”. |
"Sông trăng" do NSƯT Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam viết kịch bản và chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn là Ngô Lê Thắng, biên đạo múa - nghệ sĩ Quách Phượng Hoàng, phần âm nhạc được viết bởi Huỳnh Tú. Tham gia diễn xuất là 20 nghệ sĩ, gồm cả dàn nhạc sống và diễn viên. Theo ý đồ của người viết kịch bản, đây sẽ là một tác phẩm tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật như xiếc, múa đương đại, nghệ thuật sắp đặt, nhằm phản ánh không gian văn hóa sinh động, đầy màu sắc của người dân vùng ven sông.
Suốt 65 phút diễn, khán giả được thưởng thức những cảnh sinh hoạt rất đỗi bình dị và gần gũi như cấy cày, đánh cá, mò cua, bắt ếch, làm cầu tre, đấu võ, hát múa, hẹn hò đôi lứa, lễ hội…, tất cả đều bám quanh con sông quê thân thương, qua cách thể hiện mang tính ước lệ. Những động tác nhào lộn, trồng chuối, uốn dẻo, đu dây, thăng bằng trên dây, tung hứng, lăn vòng, thăng bằng… được lồng vào cảnh sinh hoạt nhẹ nhàng. Khán giả vừa thả mình theo câu chuyện làng quê, vừa thưởng thức những pha diễn đẹp.
Trước khi công diễn, các thành viên trong ê kíp sáng tạo hứa hẹn "Sông trăng" sẽ hơn cả "Làng tôi" hay "À ố show". Lại nhắc đến hai tác phẩm này, "Làng tôi" cũng là sản phẩm kịch xiếc mới của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, do nhóm tác giả Tuấn Lê, Nguyễn Nhất Lý, Nguyễn Lân thực hiện, mang vẻ đẹp văn hóa làng quê Bắc Bộ, đã lưu diễn 3 năm tại khắp Châu Âu, được khán giả quốc tế đón nhận.
"À ố show" được coi là "người em" của "Làng tôi" bởi có cùng ê kíp sáng tạo, kết hợp với biên đạo múa Nguyễn Tấn Lộc và Square Group thực hiện tại TP Hồ Chí Minh, mang phong cách phương Nam. Hiện nay, "À ố show" đang bắt đầu chuyến "du Âu'' trong 3 năm. Chưa kể, gần đây lại có chuyện gần 20 diễn viên "Làng tôi" đồng loạt xin thôi việc tại cơ quan để tìm kiếm cơ hội mới. Vì vậy, khi "Sông trăng" - "đứa con thuần Việt" - ra mắt, người trong giới dõi theo với sự kỳ vọng, khán giả đến xem cũng có ý so sánh với các vở diễn nói trên.
Trong vở diễn "Sông trăng", hình ảnh làng quê hiện lên khá sống động. Các nghệ sĩ xiếc phô diễn kỹ thuật điêu luyện, nhiều động tác khó, diễn viên múa mượt mà, uyển chuyển. Tuy vậy, điểm trừ trong "Sông trăng" có khá nhiều. Suốt hơn một giờ đồng hồ, các cảnh được đưa ra ào ạt mà không có điểm nhấn thực sự và thiếu những khoảng lặng cần thiết. Âm nhạc sử dụng chất liệu dân tộc khá tùy hứng, khi thì dân ca Đồng bằng Bắc Bộ, lúc lại mang âm sắc vùng cao, sau lại thấy hò Huế… Ánh sáng có lẽ là phần thất bại trong vở diễn khi không tôn được kỹ thuật và cảm xúc của diễn viên. Đạo cụ sử dụng chưa có sự thống nhất, là vở đậm đặc chất quê mà vẫn thoáng thấy thiết bị đu dây, uốn dẻo hiện đại…
Cũng như "Làng tôi", "Sông trăng" chắc chắn còn phải chỉnh sửa và hoàn thiện nhiều, đặc biệt là với mục tiêu phục vụ khách du lịch, khách quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.