Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vở tuồng "Phật hoàng Trần Nhân Tông": Gần gũi và dễ tiếp nhận

An Nhi| 25/10/2015 07:09

(HNM) - Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa công diễn vở


Màn mở đầu đưa khán giả vào ngay câu chuyện giữa Thượng hoàng Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, về việc ngài muốn trở thành nhà tu hành, dần chuyển sang việc chống quân Nguyên lần thứ hai nhưng ít người cảm thấy đường đột bởi đã hiểu lịch sử, thân thế, sự nghiệp của vua Trần. Trong cuộc đời "Vua đời - Vua Phật" của Trần Nhân Tông có nhiều biến cố, vở tuồng (tác giả kịch bản Phạm Văn Quý) chọn lát cắt cao trào và quyết liệt nhất: Sau lần chống giặc Nguyên lần thứ nhất, vua Trần Nhân Tông đã muốn xuất gia, nhưng vì giặc lại xâm lược một lần nữa nên ngài nhập thế, tổ chức hội nghị các tướng lĩnh ở Bình Than và hội nghị các bô lão ở điện Diên Hồng để lắng nghe ý kiến quân dân, đề ra chiến lược đánh giặc. Khi đất nước thái bình, vẹn toàn, ngài mới trao lại ngôi vua, chính thức xuất gia tìm đường giúp dân, giúp nước qua tu đạo, tạo ra dòng Thiên Trúc lâm riêng có ở Việt Nam.

Vua Trần Nhân Tông và cuộc đối thoại chiến - hòa với chú ruột Trần Ích Tắc là lớp diễn đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả - Ảnh: Đức Triết/Tuổi trẻ


Những lớp lang trong vở diễn toát lên đặc điểm, nhận định về Phật hoàng Trần Nhân Tông - những điều đã được lịch sử và người đời công nhận. Chẳng hạn, ngài rất nghiêm khắc với mình, dù mong muốn tu hành nhưng vì đất nước còn nguy nan nên ngài trở lại gánh vác trọng trách. Ngài nghiêm khắc với quan, dù Phó tướng Trần Khánh Dư có công đánh giặc nhưng phạm tội nên vẫn bị phạt, tước hết chức vị, sau này được phục chức để cầm quân, lập công. Trần Nhân Tông cũng là người coi trọng nhân dân, quan niệm lấy dân làm gốc rễ, tạo sự đoàn kết đồng lòng chống quân xâm lược. Ngài không ngại ngồi bệt húp bát cháo loãng của dân như bao quân sĩ khác. Ngài triệu tập bô lão khắp nơi, tận tình đối đãi, lắng nghe từng ý kiến…

Lần đầu tiên NSND Ngọc Giàu nhận lời làm đạo diễn cho một tác phẩm của Nhà hát Tuồng Việt Nam, ông tạo ra đất diễn hiệu quả cho lớp trẻ. Từ đầu đến cuối, người xem cảm nhận sự sống động, nồng nhiệt trong từng vai diễn, câu thoại, câu hát, động tác. Tuy có đầy đủ đặc trưng của nghệ thuật tuồng như lối múa "bê", "xiên", "lỉa", "lăn", điệu hát nói lối "xuân", "ai" nhưng nhờ sự khéo léo chuốt đài từ của diễn viên, cách bố trí di chuyển hợp lý của đạo diễn nên vở có hơi hướng hiện đại, gần gũi, dễ tiếp nhận.

Vai diễn quan trọng nhất - Phật hoàng Trần Nhân Tông - được giao cho tài năng trẻ Trần Long. Dáng điệu, giọng ca, "chất" tuồng từ anh đã ngay lập tức lấy được cảm tình của khán giả dù còn vài chỗ hụt hơi, lạc giọng, ánh mắt, sắc vẻ có lúc chưa đủ với một vai đòi hỏi cường độ xuất hiện và sức diễn mạnh mẽ trong suốt hơn hai giờ như thế. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận xét: "Tôi thấy được lực lượng nghệ sĩ kế cận, gạch nối giữa các thế hệ từ vở tuồng này. Họ vừa giữ được tính thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật tuồng, vừa tạo một luồng gió mới trẻ trung".

Tuy vậy, có lẽ vở diễn còn phải được "chạy" thêm nhiều lần, cần những chỉnh sửa để hợp lý và nuột nà hơn. Cần thêm chất tuồng ở một số trường đoạn, như khi tướng giặc Nguyên là Thoát Hoan nhận tin báo thua trận liên tiếp, phải chui vào ống đồng chạy thoát thân. Cũng có thể tạo thêm trò tuồng, chút nhấn nhá ở đoạn An Tư công chúa chia tay Hoàng gia, chấp nhận kết hôn với "người ngoài" để thực hiện kế "hòa để tiến", hay đoạn diễn bừng bừng khí thế quyết đánh trong hội nghị Diên Hồng… Trần Nhân Tông vốn dĩ hướng thiện, mong mỏi hòa bình, cực chẳng đã mới phải tuốt gươm, cầm quân đánh giặc, có thắng lợi thì quân dân ta cũng bị thiệt hại ít nhiều. Sự trăn trở trước những trận đánh hay những khoảng lặng, chiêm nghiệm cần có ở vị vua này chưa được làm rõ bao nhiêu.

Vở diễn ra mắt dịp kỷ niệm 707 năm Ngày nhập niết bàn của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vở tuồng "Phật hoàng Trần Nhân Tông": Gần gũi và dễ tiếp nhận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.