Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vô tư phòng khám “chui”?

Kiều Linh| 22/03/2011 07:05

(HNM) - Với mác

Người bệnh chờ được khám tại cơ sở 22 phố Nguyễn Quang Bích.


Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) của bà Hoàng Hương Hiệp đặt tại 42 phố Nguyễn Văn Tố, cũng thuộc địa bàn phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm. Khoảng 3 năm trở lại đây, cơ sở này chuyển về số nhà 22 phố Nguyễn Quang Bích. Theo phản ánh của nhiều bệnh nhân, khi đến đây khám bệnh bà Hiệp thường tự giới thiệu: "Tôi là tiến sĩ, được phong hàm phó giáo sư từ năm 33 tuổi...", lúc thì bà bảo làm ở Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), có lúc lại nói là giảng viên của Trường Đại học Y Hà Nội. Nhằm khuếch trương thương hiệu phòng khám cũng như đánh bóng tên tuổi của mình, hằng năm, đến ngày 20-11 (Ngày Nhà giáo Việt Nam) hay ngày 27-2 (Ngày Thầy thuốc Việt Nam), bà Hiệp lại tổ chức họp mặt mang tính "chiêu đãi" và khách mời phần lớn là những người quen biết hoặc bệnh nhân.

Để "mục sở thị" cơ sở KCB của bà Hiệp, chiều 14-3-2011, chúng tôi đã đóng vai bệnh nhân đến khám bệnh. Tại đây không hề có một tấm biển hay dòng chữ nào ghi tên phòng khám bệnh, mà chỉ có biển hiệu của cơ sở thẩm mỹ. Bên dưới tấm biển đó có một lối đi nhỏ dẫn vào sâu bên trong là khu vực phòng khám bệnh của bà Hiệp, trong đó tầng 2 là phòng khám, tầng 3 là nơi đón tiếp bệnh nhân, phòng chờ, còn trên tầng 4 là phòng chứa thuốc. Toàn bộ nhân viên của phòng khám, kể cả bà Hiệp đều không mặc đồng phục, đeo phù hiệu theo quy định của ngành y tế... Hơn một giờ đồng hồ chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được bà Hiệp. Sau khi nghe kể về bệnh tình là bị mệt, không muốn ăn, bà Hiệp nhìn tôi và phán luôn là tôi bị bệnh gan. Vừa nói, bà Hiệp vừa hướng dẫn tôi nằm lên giường bệnh để khám. Với hàng loạt các động tác: đo huyết áp, ấn bụng, co chân… bà Hiệp bảo phải đi làm xét nghiệm máu, chụp X quang... để kịp thời điều trị. Ngay sau đó, bà Hiệp lấy giấy khám bệnh ghi các yêu cầu làm xét nghiệm và bảo rằng: Để thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho các bệnh nhân, phòng khám sẽ cử nhân viên trực tiếp đưa bệnh nhân đến các bệnh viện làm xét nghiệm, lấy kết quả luôn, rồi mang về để kê đơn thuốc điều trị. Còn anh bạn đồng nghiệp của tôi vẫn khỏe mạnh bình thường, nhờ bác sĩ khám và điều trị căn bệnh đường tiêu hóa, thì được chẩn đoán bị "viêm tụy" (!).

Mặc dù không có biển hiệu, song do đồn thổi, nên người đến KCB tại cơ sở của bà Hiệp ngày một đông, chủ yếu là bệnh nhân từ các tỉnh, thành phố khác. Đối với những trường hợp siêu âm đơn giản được thực hiện ngay tại phòng khám, còn những ca phải làm xét nghiệm, chụp X quang… được gửi đi làm tại nơi khác, sau đó người bệnh quay lại để được kê đơn và mua thuốc ngay tại phòng khám với giá khá cao. Anh Bùi Đức Thành (huyện Văn Giang, Hưng Yên) là một bệnh nhân đã từng khám ở cơ sở KCB của bà Hiệp kể: "Cách đây khoảng 2 năm, tôi bị đau dạ dày có đến nhờ bà Hiệp khám, điều trị và đã được bà Hiệp kê đơn thuốc hết gần 3 triệu đồng. Thế nhưng, nhiều lần uống thuốc xong thấy mặt mũi tối sầm, đầu óc choáng váng, đi tiểu rất khó khăn, song vẫn cố uống. Hết thuốc vẫn không thấy khỏi bệnh, tôi phải đến Bệnh viện Bạch Mai khám lại và được các bác sĩ bảo rằng các đơn thuốc đó không phù hợp với căn bệnh...". Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thanh Tùng, ở quận Hai Bà Trưng cũng vậy. Anh Tùng dùng thuốc trị bệnh tiêu hóa tại cơ sở KCB của bà Hiệp nhiều năm, tốn hàng chục triệu đồng mà bệnh tình vẫn chưa thuyên giảm.

Để hiểu rõ hơn về con người bà Hiệp và những điều bà tự "đánh bóng" về mình, chúng tôi đã được PGS, TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội và GS-TS Trương Việt Dũng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo - Bộ Y tế khẳng định: Trường ĐH Y Hà Nội cũng như Bộ Y tế không có cán bộ, giảng viên, phó giáo sư nào có tên là Hoàng Hương Hiệp. Còn bà Ngô Thị Thu Hương, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm cho biết: Hiện trên địa bàn quận có 327 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, trong đó phường Cửa Đông có 10 cơ sở, nhưng từ trước đến nay, chưa bao giờ thấy cơ sở KCB của bà Hiệp đăng ký hoạt động.

Theo khoản 2, Điều 6 Luật Khám, chữa bệnh (có hiệu lực từ 1- 1- 2011), khám chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề là một trong những hành vi bị cấm và Phòng Y tế quận, huyện, thị xã có chức năng kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, kế hoạch, đề án, chương trình, dự án và hoạt động đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ về y tế trên địa bàn... (quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2008 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ). Vậy Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm sẽ có kế hoạch, biện pháp gì để thực hiện chức năng, trách nhiệm của mình trước việc cơ sở KCB tại 22 phố Nguyễn Quang Bích, phường Cửa Đông hoạt động không phép và "móc túi" bệnh nhân một cách trắng trợn trong thời gian dài?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vô tư phòng khám “chui”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.