Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vỏ quýt dày, móng tay... chưa nhọn

Thắng Ngọc| 12/05/2010 06:53

(HNM) - Theo báo cáo của ngành chức năng, từ năm 2009 đến hết quý I năm 2010 đã xử lý hơn 200.000 vụ vi phạm pháp luật về gian lận thương mại, với tổng số thu gần 3.000 tỷ đồng, trong đó xử phạt hành chính gần 700 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế cả nghìn tỷ đồng, số còn lại là trị giá hàng tịch thu... Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn gia tăng, vì thế các ngành, các địa phương cần vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn nữa…

Gian lận thương mại vẫn gia tăng

Theo Cục Quản lý thị trường, tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp trên các tuyến trọng điểm, nhất là các tuyến đường bộ biên giới phía Bắc, miền Trung, trong đó nổi cộm nhất là mặt hàng thuốc lá, đường. Buôn lậu qua đường hàng không và bưu điện cũng gia tăng, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn để gian lận, trốn thuế như nhập hàng quá tiêu chuẩn, hành lý không khai báo nhập khẩu qua loại hình phi mậu dịch, hàng gửi không có hóa đơn chứng từ; khai báo sai về mặt hàng, mã hàng, chủng loại. Trên các cảng biển quốc tế, buôn lậu, gian lận thương mại cũng diễn biến phức tạp do một số thị trường nước ngoài đang giảm sức tiêu thụ, hàng hóa có dấu hiệu "chảy ngược" về Việt Nam, điển hình là mặt hàng điện tử, điện lạnh. Ngoài ra, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng hóa chất lượng kém, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... vẫn gia tăng mạnh. Các vi phạm chủ yếu về thủ tục hải quan, phương tiện vận tải tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập quá thời hạn quy định, vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ hợp lệ trong địa bàn hoạt động...

Năm 2009, các mặt hàng tạm nhập, tái xuất đi nước ngoài như rượu và thuốc lá ngoại có dấu hiệu thẩm lậu trở lại nội địa. Những tháng đầu năm nay, hoạt động xuất lậu, vận chuyển than, quặng trái phép ra nước ngoài có chiều hướng gia tăng, ước tính số lượng than xuất lậu mỗi tháng khoảng 100.000 tấn, quặng titan khoảng 20.000-30.000 tấn, chủ yếu là quặng thô chưa qua sơ chế...

Theo đánh giá của ngành chức năng, thủ đoạn chủ yếu vẫn là các đầu nậu tập kết hàng hóa tại các tụ điểm sát biên giới, khoán gọn lô hàng cho các đối tượng vận chuyển, xé lẻ hàng hóa, thuê cư dân biên giới, lợi dụng đêm tối để vận chuyển... với thủ đoạn chuyên nghiệp hơn, hoạt động có tổ chức, luôn thay đổi khi đi từng đoàn khi xé lẻ, nếu bị phát hiện tìm cách cất giấu vào rừng và chống trả quyết liệt. Đặc biệt, có đối tượng lợi dụng chính sách quà tặng để nhập khẩu trái quy định các loại hàng hóa có giá trị cao; lợi dụng phương thức chuyển khẩu, tạm nhập, tái xuất, nhập khẩu vào các khu kinh tế mở, khu chế xuất để hạ thấp giá …

Những hạn chế cần sớm khắc phục

Theo đánh giá của ngành chức năng, hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu ở nhiều địa phương còn hạn chế. Nguyên nhân là do khoa học công nghệ phát triển, với thủ đoạn tinh vi, việc sản xuất, in nhãn mác, bao bì bằng công nghệ cao; do địa hình nước ta có biên giới dài, địa bàn hiểm trở, tiếp giáp với nhiều nước, dân cư qua lại mang hàng giả, hàng lậu giấu lẫn vào hàng hóa theo đường tiểu ngạch... nên rất khó cho việc phát hiện, điều tra xử lý. Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức, chỉ đạo công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở các địa phương chưa thống nhất. Đặc biệt, cơ chế, chính sách cho các khu thương mại cửa khẩu còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, nhất là việc quản lý hàng hóa ra vào khu thương mại, bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát chưa khoa học, để các đối tượng buôn lậu lợi dụng.

Hoạt động buôn lậu qua biên giới sẽ tiếp tục với quy mô và mức độ cao, Ban chỉ đạo (BCĐ) 127/TƯ yêu cầu các địa phương cần vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện những biện pháp đã đề ra. Trong đó, kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu đối với các mặt hàng sắt thép, xăng dầu, thuốc lá, gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm, gỗ; chống hàng giả, hàng kém chất lượng đối với dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm công nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi... BCĐ 127/TƯ cũng kiến nghị Chính phủ giao các ngành phối hợp với Bộ Công thương xây dựng "Chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vỏ quýt dày, móng tay... chưa nhọn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.