Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vô lương tâm cả trong việc thiện

Đặng Loan| 29/11/2010 06:46

Ai đẩy giá lên 2 triệu USD? (HNM) -


Khi vụ lùm xùm xảy ra, dư luận càng ngạc nhiên khi biết số tiền đấu giá gần 74 tỷ đồng không phải dành tất cả cho đồng bào miền Trung đang bị lũ lụt như những mỹ từ đã được xướng lên trong đêm hội. Hàng vạn người dân miền Trung oằn mình trong thiên tai dõi mắt hy vọng theo con số hàng chục tỷ đồng được xướng lên, hàng ngàn người xem chương trình đã rơi nước mắt xúc động trước những tấm lòng tốt, thế nhưng, 73,9 tỷ đồng giả sử nếu được nhận đầy đủ thì cũng chỉ còn dành cho đồng bào miền Trung 23,8 tỷ đồng (khoảng 1/3), một sự thật mà không ai ngờ tới!

Theo bà Nguyễn Thị Huệ, dù mang danh là đơn vị được thụ hưởng số tiền đấu giá để làm từ thiện, nhưng thật ra Hội chỉ được nhận số tiền chênh lệch sau khi trừ đi giá gốc của vật thể. Mà giá gốc thì được chính các chủ sở hữu đưa ra. Cụ thể: chiếc trống đồng được đưa ra giá gốc 300.000 USD (tương đương 6 tỷ đồng), bức tranh đá quý 90 triệu đồng, viên đá ruby 200.000 USD (tương đương 4 tỷ đồng). Bộ tứ linh thì được thỏa thuận miệng là 2 triệu USD (tương đương 40 tỷ đồng). Như vậy, tổng số tiền phải trả cho các chủ sở hữu sau khi đấu giá là 50,09 tỷ đồng; và "tiếng vang" 73,9 tỷ đồng cho đồng bào miền Trung bị bão lũ nếu được thu đầy đủ cũng chỉ còn 23,8 tỷ đồng!

Một vấn đề khiến dư luận quan tâm nữa là Công ty CP Truyền thông Asean C&C (trụ sở tại Hà Nội) ký hợp đồng bộ tứ linh với ông Võ Ngọc Hà (chủ nhân của bộ tứ linh) với giá 1 triệu USD, thế nhưng khi thỏa thuận miệng với ban tổ chức thì giá gốc... biến thành 2 triệu USD. Vậy nếu số tiền đấu giá bộ tứ linh được trao đầy đủ, ông Hà được thụ hưởng 1 triệu USD còn 1 triệu USD thì vào túi ai? Theo các doanh nghiệp làm từ thiện, đây là một hình thức lợi dụng việc làm từ thiện để kiếm tiền không hơn không kém vì thật sự, nếu mang sản phẩm ra bán thì chắc chắn không thể bán được như định giá!

Phải có luật hướng dẫn đấu giá từ thiện

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, sự việc trên phải được gọi đích danh là lừa đảo. Vụ đấu giá quỵt tiền không chỉ là xúc phạm lòng tin của mọi người mà còn gây thiệt hại cụ thể về vật chất (chi phí chuẩn bị chương trình, vận chuyển...) và uy tín của những đơn vị liên quan, nên đơn vị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết những sự việc này không được bảo đảm vì vẫn chưa có luật hướng dẫn đấu giá từ thiện nên trách nhiệm chỉ là ở… tòa án lương tâm.

Ông Đinh Gia Diên, Tổng Giám đốc Công ty CP Đá quý Gia Gia, đơn vị chính thực hiện đêm hội, cho rằng, ban tổ chức đã cố gắng hết sức và "báo chí nên tập trung lên án những người tham gia đấu giá ảo". Điều đó đúng, tuy nhiên, về phương diện pháp lý, các luật sư cho rằng lỗi của đơn vị tổ chức không phải là ít.

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Chủ nhiệm Văn phòng Luật sư Giải Phóng, hiện đấu giá từ thiện vẫn chưa được văn bản luật nào hướng dẫn trong khi dù đấu giá dưới hình thức nào (thương mại, từ thiện) cũng cần phải được tổ chức chặt chẽ. Từ trước đến nay, các đơn vị tổ chức đấu giá từ thiện chỉ làm theo thói quen, kinh nghiệm và trong quan điểm được nhiều mừng nhiều, được ít mừng ít; chính vì vậy nhiều người đã lợi dụng điều này để quảng bá tên tuổi trên các phương tiện thông tin đại chúng rồi… xù! Thậm chí, một số người không cần quảng bá tên tuổi, chỉ là trêu chọc ác ý như hai trường hợp trong cuộc đấu giá vừa qua là một bài học!

Theo luật sư Hưng, dù đấu giá từ thiện rất khác đấu giá thương mại nhưng cũng phải được luật hướng dẫn, tổ chức đấu giá phải có trình tự và chặt chẽ, có ràng buộc trách nhiệm. Bên cạnh đó, đấu giá, dù là từ thiện cũng phải được tổ chức bởi một đơn vị đấu giá chuyên nghiệp, được cấp chứng chỉ hành nghề cụ thể. Trong vụ này, nhà tổ chức cũng không có chức năng tổ chức và cuộc đấu giá này có lỗi của đơn vị tổ chức rất nhiều. Chẳng hạn, giá trị gốc của các vật phẩm đấu giá tuy rất lớn nhưng không được thẩm định giá như trình tự bình thường. Bộ tứ linh giá 1 triệu USD, rồi lại là 2 triệu USD, thật sự nếu không có đơn vị thẩm định giá chuyên nghiệp thì không thể biết được giá trị thật là bao nhiêu và như vậy rất nhiều khả năng những cuộc đấu giá từ thiện chỉ là công cuộc làm ăn của các "đại gia" thiếu lương tâm mà những người có tâm là bị hại!

Một cán bộ thuộc UB MTTQ TP Hồ Chí Minh cho rằng, vì đấu giá từ thiện nên họ không muốn làm phiền lòng các nhà hảo tâm bằng những quy định ràng buộc này khác. Tuy nhiên, theo luật sư Hưng, khi các nhà hảo tâm thực sự muốn đóng góp cho các hoạt động từ thiện thì chắc chắn sẽ đồng ý những điều khoản quy định khi đấu giá. Và thực tế thủ tục đấu giá cũng không quá khó, quan trọng là đặt tiền cọc để ràng buộc trách nhiệm và như thế thì những người lợi dụng việc làm từ thiện để hòng có danh, có lợi không thể lợi dụng được.

Còn quan điểm của một doanh nghiệp thường xuyên làm từ thiện (không muốn nêu tên) thì: quan trọng nhất là phải tổ chức chu đáo, chặt chẽ, quy định trách nhiệm của người tham gia đấu giá và quy định cả quyền lợi của những nhà hảo tâm càng tốt, bởi họ là những doanh nghiệp cần quảng bá tên tuổi. Chỉ có làm như vậy thì mục đích cao cả, nhân văn của đấu giá từ thiện mới được nhân lên và không còn chỗ cho những kẻ vô lương tâm lợi dụng trong cuộc đấu giá trên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vô lương tâm cả trong việc thiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.