(HNM) - Liên tiếp những vở kịch của sân khấu phía Bắc mới ra mắt đã phá tan suy nghĩ rằng giới nghệ sĩ hay né tránh những vấn đề chính trường gai góc.
Một hình ảnh trong vở "Biến dạng". Ảnh: Doãn Bằng. |
Sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ được bố trí bệ bục đa năng, vừa là bối cảnh văn phòng, thoắt cái trở thành tư gia của ông Sát - bối cảnh xuyên suốt vở kịch. Ông Sát xuất thân kỳ lạ, mẹ mang thai 9 tháng 25 ngày mới hạ sinh, chấp nhận cái chết để cứu con. Cuộc đời trải toàn hoa hồng, 30 tuổi là giám đốc một công ty lớn, 40 tuổi thênh thang con đường quan lộ. Tình tiết kịch diễn ra xoay quanh thời điểm ông Sát gần đến ngày nghỉ hưu, với những ám ảnh của quá khứ tội lỗi ăn sâu vào mỗi giấc ngủ của ông.
Tác giả kịch bản Chu Thơm lâu nay có nhiều tác phẩm được dàn dựng, nay với kịch bản "Tấm gương" qua bàn tay dàn dựng của đạo diễn, NSƯT Anh Tú đổi tên thành "Biến dạng" một lần nữa khẳng định uy tín tác giả. Kịch bản chắc tay, không khai thác theo kiểu "chỉ mặt đặt tên" khi lên án quan tham, tác giả xoáy sâu vào tòa án lương tâm, sự ăn năn, day dứt của chính người trong cuộc. Không có những màn điều tra, hỏi cung, bắt bớ của cơ quan có thẩm quyền nhưng nhân vật chính lúc nào cũng nơm nớp, dằn vặt, đủ thấy luật nhân quả, kẻ nào "gieo gió ắt gặp bão". Đây cũng là tác phẩm đặt hàng của Bộ VH-TT&DL hưởng ứng Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Điều đáng nói là một tác phẩm có tính tuyên truyền nhưng không khô cứng nhờ đạo diễn chọn được cách xử lý mềm mỏng. Ban đầu đạo diễn Anh Tú cũng gặp khó khăn vì dạng "kịch lồng trong kịch" này. Song anh chọn cách kể chuyện qua lời dẫn của nhân vật Hiếu, con trai ông Sát nhằm tạo quá khứ dẫn dắt đến hiện tại.
Ấn tượng mạnh nhất của vở kịch chính là những triết lý thức tỉnh lương tri của chính kẻ tham nhũng, một cán bộ cấp cao - ông Sát. Cả đời làm quan, làm được nhiều việc cho dân, nhưng cũng phạm không ít sai lầm như đang tâm hãm hại anh vợ vì định tố cáo mình, nhận tiền hối lộ để gật đầu cho dự án sinh thái, đẩy quê hương vào chỗ mất đất. Những lỗi lầm này chưa cần đến sự phán xét của luật pháp, nhưng cũng đủ khiến ông Sát hoảng loạn vì bị ám ảnh trong từng giấc ngủ. Đau đớn hơn, hai đứa con khác của ông học theo cha cậy quyền thế làm càn, thậm chí không từ thủ đoạn hại cha mình. Luật nhân quả nhãn tiền ra đấy! Những chi tiết này lay động khán giả, khiến một vở kịch về đề tài chống tiêu cực này càng trở nên hấp dẫn.
Không chỉ nói về cái ác, sự hối lỗi mà "Biến dạng" còn hướng mỗi con người tới tinh thần nhân văn qua tuyến nhân vật chính diện. Hiếu, con trai ông Sát dù bất bình, sợ hãi những tội lỗi của cha, nhưng cũng nhất mực yêu thương ông. Ông Vạn, anh vợ ông Sát dù mang mối căm hận cả đời vì bị em vợ hãm hại phải mang chân tật nguyền, cuối cùng tuyên bố tha thứ, bỏ qua hết. Còn nhân vật ông Hòa, em cùng cha khác mẹ với ông Sát cũng luôn miệng nhắc anh mình "quay đầu về bờ thiện".
Dù vậy, vở kịch không tránh khỏi đôi chỗ thoại dài, lan man... nhưng những điều này hoàn toàn có thể chỉnh sửa để vở kịch thêm cô đọng, thuyết phục hơn. Bù lại, dàn diễn viên của "Biến dạng" rất tròn vai. Sỹ Tiến không chỉ chắc ở mảng hài kịch mà anh còn hóa thân vào một ông Sát mưu mô, xảo quyệt rất đạt, diễn tả thành công những đoạn cao trào tâm lý. Nguyệt Hằng trong vai cô con gái tên Tham, hay Bá Anh trong vai cậu con trai tên Kiết đều hoàn thành vai trò phản diện của vở kịch. Vở kịch còn có sự tham gia của những tên tuổi quen thuộc khác như Tú Oanh, Hoa Thúy, Quang Ánh, Quỳnh Dương, Thanh Sơn, Ngọc Tuấn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.