Cũng theo đà phát triển, nhiều huyện đã thành quận, nhiều xã đã thành phường.
Nhiều vùng đất của các quận Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm trước đây là đất canh tác nông nghiệp, nhưng khi "cơn lốc" đô thị hóa băng qua, nhiều dự án nhà ở, trung tâm thương mại... đã dần thay thế các thửa ruộng màu mỡ. Ở những nơi mới được đổi từ xã thành phường, tính đô thị chưa thật sự rõ rệt, thường chỉ thể hiện ở các tuyến đường, tuyến phố lớn hay các dự án là khu đô thị mới. Còn tại những khu dân cư cũ không thay đổi bao nhiêu, có chăng chỉ là những nếp nhà mang tính hiện đại có kiến trúc pha tạp… Những con ngõ không tên chạy lòng vòng trong khu dân cư, nay lên phường cũng vẫn theo nếp cũ vì không đủ điều kiện đặt tên phố, tên đường... Do đó, nhiều lá thư, bưu phẩm gửi theo đường bưu điện đã bị trả về nơi gửi chỉ vì "nhà không số, phố không tên…".
Nhiều xã thành phường đã hơn 10 năm, nhưng tại nhiều địa điểm vẫn mang tên "xứ đồng" mà không phải là tổ dân phố hay khu dân cư… Do đó, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở đây gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những nơi có diện tích đất xen kẹt, chưa được cơ quan chức năng cho chuyển đổi mục đích sử dụng… Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động nông nghiệp ở một số phường vẫn chiếm cao, như các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và một số phường thuộc quận Hà Đông. Điều này khiến tính đô thị của các phường chưa thật sự khác biệt so với trước kia.
Đây là những vấn đề thuộc bề nổi, thiết thực với cuộc sống của mỗi hộ gia đình, nhưng dường như chưa được các cấp, các ngành quan tâm. Do đó, nhiều phường vẫn "nửa tỉnh, nửa quê", hoạt động trong tình trạng thiếu đồng bộ. Từ hạ tầng đó, ý thức người dân nhiều nơi cũng chưa nhất quán, một số nếp sống cũ vẫn nặng sức ỳ… Thực trạng này cần được các cơ quan chức năng quan tâm để mang đến sự thay đổi phù hợp hơn với thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.