Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vở diễn đẹp về người con gái Đất Đỏ

An Nhi| 26/08/2014 06:37

(HNM) - Vào ngày 25 và 26-8, tại Nhà hát Lớn - Hà Nội, vở kịch múa


Kịch bản của Ths Nguyễn Thị Tuyết Minh được đánh giá là tốt nhất trong số 18 kịch bản múa tham gia cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc (giai đoạn 1930-1975). Nguyễn Thị Tuyết Minh mô tả câu chuyện về nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu - người con gái Đất Đỏ đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng, nhưng là kể dưới góc nhìn của một người nước ngoài - chính là người lính Pháp đã tham gia hành quyết chị Võ Thị Sáu. Người lính Pháp xưa kia quay trở lại "địa ngục trần gian" Côn Đảo với một sự hối tiếc, ân hận khôn nguôi. Ký ức ùa về, ám ảnh ông, đặc biệt là hình ảnh người con gái kiên trung, bất khuất Võ Thị Sáu.

Cảnh trong vở “Khoảnh khắc bất tử”.



Chuyện được kể bằng ngôn ngữ múa ballet hiện đại, từ tuổi thơ lam lũ đến những trận đánh táo bạo của Võ Thị Sáu cùng đồng đội, cả những giây phút ấm áp trong vòng tay mẹ và thời khắc đối mặt với kẻ thù trong nhà tù thực dân cho đến khi chị ngã xuống… Qua lăng kính phản chiếu từ một người nước ngoài, tấm gương Anh hùng Võ Thị Sáu được tôn vinh một cách khách quan, cao đẹp và thánh thiện.

Từ kịch bản đến một tác phẩm hoàn chỉnh là câu chuyện dài mà ở đó, không thể không nói đến quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc của các thành viên Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trong suốt gần 2 năm qua. NSND Ứng Duy Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam nói: "Một vở kịch múa thành công nhờ hai yếu tố cấu thành là âm nhạc và múa. Khác với âm nhạc được ghi sẵn rồi phát lại, âm nhạc trong kịch múa được chơi trực tiếp, cộng hưởng và tương tác với diễn xuất của diễn viên múa, đem lại cảm xúc nhiều hơn cho khán giả". Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trực tiếp chịu trách nhiệm về phần âm nhạc và chỉ huy dàn nhạc. Ông cùng NSND Đặng Hùng, nhạc sĩ Đỗ Bảo đã dành một năm cùng nhau làm việc, cho ra đời bản tổng phổ dựa trên chủ đề tác phẩm cũng như ý đồ dàn dựng. Về cơ bản, phần âm nhạc giàu tính thơ, tiết tấu nhẹ nhàng, hợp với mục tiêu tôn vinh vẻ đẹp thánh thiện của nữ anh hùng trẻ tuổi bình thản đón nhận cái chết, nhưng vẫn có những đoạn cao trào, mạnh mẽ, dữ dội để diễn tả cảnh đàn áp dã man của thực dân. "Biết ơn chị Võ Thị Sáu", ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã được sử dụng một cách khéo léo, một vài câu hát "mộc" và nhạc không lời đã tạo cho khán giả cảm giác gần gũi và dễ nhập tâm.

Vở diễn được chia hai màn với 11 cảnh diễn liên tục trong hơn một giờ, khắc họa những thời khắc làm nên hình ảnh bất tử của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu: "Trở về miền ký ức", "Ảo ảnh và cánh chim khát vọng", "Những người con Đất Đỏ", "Trận càn", "Ngục tù", "Tra tấn", "Trường học cách mạng", "Khảo cung", "Giấc mơ về gia đình", "Giờ hành quyết", "Hoa Lê ki ma bất tử". Đạo diễn - NSND Phạm Anh Phương để lại dấu ấn rõ nét bằng việc đưa nhân vật em bé quàng khăn đỏ đang đi học vào đầu vở múa, tạo mạch nối quá khứ - hiện tại. Vai chính được trao cho hai người: Ngọc Cần - chị Sáu, và Việt An - chị Sáu trong mơ, đều là những solist vững vàng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Hai nghệ sĩ diễn tốt đến mức khán giả cảm giác hai là một. Hàn Giang vào vai người lính Pháp, với sắc vóc lý tưởng và khả năng biểu đạt cảm xúc trong mỗi động tác hình thể, vai diễn này chắc chắn ghi dấu ấn sâu đậm trong nghiệp diễn của anh. Dàn diễn viên của Đoàn múa Nhà hát Nhạc vũ kịch khá đồng đều, ngôn ngữ múa ballet rõ nét, cho thấy sự khổ luyện không ngừng trong nhiều năm.

Sau khi diễn ra mắt tại Hà Nội, "Khoảnh khắc bất tử" sẽ được lưu diễn tại nhiều địa phương, trong đó có Côn Đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vở diễn đẹp về người con gái Đất Đỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.