Vợ mặc đầm ngủ đi chợ - chỉ vậy thôi mà có lần anh Cảnh - Trưởng phòng đào tạo một trường đại học tại TP HCM - đột nhiên to tiếng nạt nộ vợ. Chị vợ thì không hiểu tại sao chồng lại trái tính trái nết như thế.
Ảnh minh họa: Estestherapy.com. |
Vợ mặc đầm ngủ đi chợ - chỉ vậy thôi mà có lần anh Cảnh - Trưởng phòng đào tạo một trường đại học tại TP HCM - đột nhiên to tiếng nạt nộ vợ. Chị vợ thì không hiểu tại sao chồng lại trái tính trái nết như thế.
Thường ngày, phần do bận rộn, phần vì bản tính xuề xòa, dễ dãi, chị vẫn “chơi” nguyên bộ đồ ngủ, khoác thêm chiếc áo rồi lao ra chợ cho nhanh. Chị nhớ, lâu lắm rồi, có lần anh nhắc nhở nhưng chị cười xòa: “Chợ nhỏ gần nhà, có ai thèm nhìn?”. Rồi đâu lại vào đấy.
Thấy nhắc nhở vợ không hiệu quả, mà làm to chuyện thì cũng chẳng đáng, anh tặc lưỡi “thôi kệ”. Nhưng, lại không “kệ” được. Cứ mỗi lần thấy vợ xách giỏ đi chợ trong bộ đồ ngủ, anh lại thấy bực. Anh nghĩ, bề ngoài của vợ cũng là “bộ mặt” của chồng. Vợ ăn mặc kiểu đó ra đường, anh cũng mất mặt lắm. Đúng là chuyện nhỏ nhưng anh cứ cảm thấy khó chịu, bực dọc. Càng ngày, chuyện đó càng gây khó chịu hơn cho anh. Hôm anh to tiếng nạt nộ, chị cũng tỏ ra giận dữ không kém. Chị cho là chồng quá vô lý khi to tiếng chỉ vì một chuyện không đáng. Lời qua tiếng lại, anh không kiềm chế được vung tay "tặng" vợ cái tát.
Có những điều không hài lòng về nhau, tưởng như nhỏ nhặt, nhưng có thể khiến hai người trong cuộc dần xa cách.
Mới đây, Tòa án nhân dân TP.HCM đã xử phúc thẩm một vụ ly hôn. Hỏi cặn kẽ, mới vỡ lẽ chị Hoa đã âm thầm chịu đựng một số tật xấu của chồng và đã đến lúc chị chịu hết nổi.
Đơn cử, anh hút thuốc quá nhiều. chị không thích khói thuốc, nhưng đành chịu đựng vì anh từng nói, đời chỉ còn sướng ở mỗi điếu thuốc, làm sao bỏ được? Điều làm chị càng bực hơn là anh bạ đâu vứt tàn thuốc đó. Chị nhắc, anh cười khà khà: “Văn nghệ sĩ chúng mình mà, em thông cảm”. Rồi anh tỏ ra cũng nể một chút, bằng cách... nhét tàn thuốc vào góc nhà. Anh lý luận, đang ngồi viết mà chạy đi lấy gạt tàn thì mất hứng lắm. Thỉnh thoảng chị dọn dẹp, khui ra một đống tàn thuốc, làm toáng lên, anh lại cười khà khà.
Chưa hết, anh còn mắc bệnh sợ... tắm. Vợ nhắc mỏi miệng anh cũng chỉ tắm quấy quá được vài lần một tuần. Vợ bực không nhắc là anh làm lơ. Có lúc chị không chịu nổi, quát ầm lên, anh mới chịu vào nhà tắm. Quần áo của anh, nếu vợ chịu khó kiểm tra để giặt thì còn đỡ, chị mệt không ngó tới là anh cứ mặc mãi một bộ trên người. Anh Quảng cho rằng đó chỉ là “ba cái chuyện lặt vặt”, vợ chịu quen rồi, trong khi chị thì “ngán đến tận cổ”.
Chị Hoa đòi ly dị không chỉ vì anh Quảng quá luộm thuộm trong sinh hoạt, mà vì cái luộm thuộm đó khiến chị bị cuốn hút bởi một người đàn ông khác. Tất nhiên, người đàn ông thứ hai của chị lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm. Tại tòa, anh Quảng tuyệt vọng: “Nếu vì cái tính thiếu ngăn nắp, thì tôi xin sửa để chung sống lại với nhau. Còn nếu cô Hoa công khai đã có người khác, tôi đành chịu chia tay”. Ai dự phiên tòa cũng cảm nhận được sự nuối tiếc của người đàn ông đánh rơi hạnh phúc vì chủ quan.
“Hạt cát nhỏ bé và có vẻ vô hại nên đã khiến nhiều người chủ quan. Thế nhưng nếu không loại bỏ hạt cát đó khỏi giày, trải qua một chặng đường dài, chắc chắn bàn chân phồng rộp. Chuyện đơn giản ấy ai cũng biết nhưng không phải ai cũng để ý. Trong đời sống vợ chồng cũng vậy, nếu có những chuyện nhỏ không hài lòng về nhau mà không giải quyết dứt điểm, một bên xuề xòa cho qua, bên kia tặc lưỡi chịu đựng thì cũng sẽ có ngày xảy ra chuyện lớn”, tiến sĩ Võ Văn Nam (Đại học Sư phạm TP HCM) chia sẻ.
Trong cuộc sống hôn nhân, mỗi người có một kiểu “coi thường chuyện nhỏ” khác nhau. Có ông chồng bất ngờ khi một ngày, vợ đột nhiên đòi chia tay chỉ vì anh quá quan tâm gia đình bên nội. Một vài lần anh lén gửi tiền về cho mẹ, vợ phát hiện, nhắc nhở, giận dỗi rồi “gió” lặng. Anh chủ quan, cho đó là chuyện nhỏ, lại tiếp tục âm thầm giúp mẹ, giúp các em. Sau nhiều lần như thế, chị tuyên bố “hết chịu nổi”. Anh tỏ ra khó hiểu, vì thấy vợ chỉ phản ứng vài lần, mức độ cũng nhè nhẹ, đâu đã đến nỗi...
Có cô vợ, do nhiệt tình và hơi suồng sã trong giao tiếp, thoải mái bắt tay, khoác vai đùa giỡn với người khác giới trước mặt chồng. Ban đầu, anh chịu đựng vì nghĩ, mắng vợ chuyện đó, hóa ra mình cũng chẳng khác đàn bà. Thế là những hành động có vẻ “nhỏ nhặt” như thế lặp đi lặp lại, khiến cục tức của anh tích lũy to dần. Một lần, giữa đám tiệc, anh đã đập bàn quát vào mặt vợ: “Bỏ cái tay xuống, đi về”, rồi đùng đùng kéo vợ về khiến mọi người ngỡ ngàng.
Thực tế, giao tiếp trong đời sống vợ chồng vốn rất hạn hẹp, nên mỗi bên thường phải ôm trong lòng rất nhiều điều không thể chia sẻ, nhất là những gì không hài lòng về nhau. Chỉ đến khi “cái nhỏ nhặt bỗng chốc biến thành cái khổng lồ” người trong cuộc mới hối tiếc.
Không ít người cho rằng, hạnh phúc hôn nhân là thứ “may nhờ rủi chịu”, nhưng anh Nguyễn Thành Thụy (giáo viên dạy văn ở phường 10, quận Gò Vấp, TP HCM) lại cho rằng, mình có thể tương đối làm chủ được hạnh phúc, bởi hạnh phúc do mình tạo ra, không phải là thứ mình ngồi chờ mà có.
Anh chia sẻ cách riêng của mình: “Lúc mới cưới, tôi từng thử theo dõi 'chu kỳ tình cảm', nhận thấy khoảng hai tuần thì vợ chồng tôi cãi nhau một lần. Mỗi lần cãi nhau, chúng tôi đều đưa những lỗi nhỏ nhặt đã tích góp trong hai tuần qua để lên án nhau. Nếu 'lỡ' qua mất hai tuần, đến cả tháng mới cãi nhau, những cái vụn vặt không vừa lòng nhau chất chồng nhiều hơn, thì cãi nhau 'ra trò' hơn. Vì vậy, tôi thống nhất với vợ, gặp điều gì không vừa lòng về nhau là trao đổi thẳng thắn và giải quyết ngay, dù là chuyện lớn hay bé. Nhờ cách giải quyết dứt điểm đó, chúng tôi hòa thuận dần, không khí vui vẻ nhiều hơn hẳn. Tôi làm chủ hạnh phúc nhờ cách đó”.
Tiến sĩ Võ Văn Nam góp ý thêm: Trên con đường hạnh phúc, hằng ngày, mỗi người cần biết đổ đi những “hạt cát” để lúc nào cũng cảm thấy thoải mái trong mỗi bước chân. Mỗi người cần hết sức tỉnh táo để lắng nghe, cảm nhận những gì mà người bạn đời chưa hài lòng về mình để giải quyết càng sớm càng tốt. Đặc biệt, cần tránh bệnh chủ quan trong hôn nhân. Trong tâm lý có một nguyên tắc: ban đầu là ý thức, nếu ý thức bị căng quá, dồn nén quá sẽ chuyển thành tiềm thức, tiềm thức đầy quá sẽ lắng xuống vô thức. Vô thức ám ảnh, chi phối các hoạt động. Khi sự chịu đựng đã thành vô thức, cũng là lúc người đó luôn tồn tại một ý nghĩ trong đầu là “không thể chịu nổi nữa”. Và cuối cùng, sẽ đến lúc bộc phát, người trong cuộc sẽ phản ứng thái quá. Lúc đó, rất khó vãn hồi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.