(HNM) - Vở chèo
Một cảnh trong vở “Vương nữ Mê Linh”. |
- Nhà hát Chèo Hà Nội từng đầu tư lớn cho việc "cách tân" chèo ở vở "Oan khuất một thời" hay "Nàng Sita". Chúng mang hơi thở đời sống đương đại, từ nội dung, cách hát, cách dàn dựng đến thủ pháp nghệ thuật. Đến nay, hai vở diễn này vẫn có đông khán giả và liên tục nhận được yêu cầu diễn.
Tôi nghĩ, vấn đề là mình làm như thế nào đối với một đề tài lịch sử để chinh phục được khán giả hiện đại. "Vương nữ Mê Linh" là vở diễn kỷ niệm 2000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng, những nữ tướng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và tính đến thời điểm này thì đây là vở lớn nhất mà tôi trực tiếp đạo diễn. Bản thân tôi cũng tìm được sự đồng cảm, thuận lợi khi dựng vở, bởi vậy, tôi tin sẽ chuyển tải được khí phách của hai vị nữ tướng tới khán giả.
- Vậy thì cách dàn dựng của chị, một nghệ sĩ chèo kỳ cựu nhưng làm đạo diễn chưa hẳn là lâu, cụ thể như thế nào?
- Khác với các vở diễn sân khấu về đề tài lịch sử gần đây thường khai thác chuyện tình cảm, đời sống riêng tư của nhân vật cho bớt khô cứng, tôi dựng "Vương nữ Mê Linh" từ kịch bản của tác giả Nhật Linh, đi thẳng vào cuộc khởi nghĩa của Hai Bà, cốt sao làm bật lên khí phách của người nước Nam thời đó. Cái khó nằm ở chỗ chèo là môn nghệ thuật nền nã, trữ tình, làm sao tải được khí thế hừng hực của đoàn quân do Hai Bà Trưng lãnh đạo? Đáp án là sử dụng ngôn ngữ ước lệ, tận dụng cử chỉ, thần thái, lời nói của nhân vật, sao cho khán giả có thể cảm thụ được. Kinh nghiệm này, tôi truyền hết lại cho diễn viên.
- Chị giao những vai nữ tướng cho dàn diễn viên trẻ vốn quen vào vai công chúa, tiểu thư. Có lúc nào chị thấy lo lắng?
- Thục Khánh vào vai Trưng Trắc, Thảo Quyên vai Trưng Nhị, họ đúng là diễn viên trẻ chuyên vào vai thục nữ yểu điệu, nhưng nếu không thử, không giao phó, không để họ dấn thân thì sao họ tiến bộ được? Ban đầu mọi người không quen, hơi chệch choạc nhưng cùng với sự kiên trì học hỏi, tập ngày đêm, chịu nghe uốn nắn từng động tác, dáng đi, lời nói, đến giờ, tôi nghĩ vai giao cho các em rất trúng. Dựng vở này, tôi muốn tạo điều kiện cho dàn diễn viên trẻ như Quốc Phòng, Quang Dương, Thảo Quyên, Thúy Lành, Huyền Trang... Họ vừa có thanh, vừa có sắc, lại có lối diễn tươi mới, bài bản và không kém phần sâu sắc.
- Sự "chịu chơi" khi đầu tư vào vở diễn này với những cái tên "nổi" như họa sĩ Song Hào, biên đạo múa Tấn Lộc, thiết kế trang phục Sỹ Hoàng, liệu rằng có thu lại được vốn?
- Đây là một trong bốn vở dàn dựng trong năm của nhà hát nhưng là vở được đầu tư nhiều nhất, cả về công sức, trang phục, đạo cụ… Diễn tả Hai Bà thì không thể thiếu hình tượng voi. Tôi quyết đặt tượng 2 chú voi cao hơn 2 mét, thậm chí phải tháo mấy hàng ghế của rạp để đưa voi lên sân khấu. Trang phục cho Hai Bà và các diễn viên khác được Sỹ Hoàng thiết kế kỹ. Anh cũng nghiên cứu trang phục lịch sử và trao đổi nhiều để chúng hợp với chèo, không quá rườm rà mà vẫn sang. Tôi mời Tấn Lộc biên đạo múa vì anh là người nhiều ý tưởng, sẽ thổi luồng gió mới cho cách biểu hiện hình thể của diễn viên. Chúng tôi muốn đem đến cho khán giả một tác phẩm sân khấu chất lượng, xứng đáng để họ sẵn sàng bỏ tiền túi mua vé vào xem. Tôi tin là sẽ không bị lỗ.
- Xin cảm ơn chị!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.