(HNM) - Thông tư số 37/2015/TT-BCT của Bộ Công thương quy định phải thực hiện việc kiểm tra hồ sơ và kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin trên tất cả các sản phẩm dệt may nhập khẩu (áp dụng kể cả với những lô hàng mẫu) có đúng mức giới hạn theo quy định của thông tư hay không.
Các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực dệt may cho rằng quy định này quá nhiêu khê về mặt thủ tục khiến DN tốn kém nhiều thời gian, chi phí. Có những lô hàng dù không có gì phức tạp nhưng vẫn phải đợi 3 ngày mới biết là được kiểm tra hồ sơ, rồi đợi tiếp để có được các giấy tờ trình hải quan làm thủ tục thông quan... Ước tính sơ bộ, cả nước có hàng nghìn DN dệt may, tính ra chi phí cho việc tuân thủ thông tư này mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng, một con số quá sức tưởng tượng về chi phí kiểm định.
Không chỉ DN mà ngay cả hải quan cũng kêu khó thực hiện quy định này. Một cán bộ hải quan cho biết, quy định phải kiểm tra tại cửa khẩu, hàng dừng tại cửa khẩu là DN phải chịu chi phí lưu kho, đỗ xe, trong khi cán bộ hải quan vất vả khi số lượng hàng nhập mỗi ngày không ít.
Trong khi hải quan và DN cùng "kêu" thì lãnh đạo Bộ Công thương vẫn khẳng định, mục đích của Thông tư 37/2015/TT-BCT là nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Nếu không có những quy định kiểm tra nghiêm ngặt, hàng dệt may giá rẻ sẽ tràn vào, hàng Việt sẽ rất khó cạnh tranh. Mặt khác, việc ngăn chặn hàng hóa bằng công cụ kỹ thuật phải bình đẳng nên DN buộc phải tuân thủ. Bộ đang làm đúng quy định.
Cũng chính vì lý do đó mà tại hội thảo về "Đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 37/2015/TT-BCT" do Bộ Công thương tổ chức mới đây, dù mục tiêu là muốn đối thoại với DN, nhưng cuối cùng chỉ có 5 DN tham gia và ai cũng kiệm lời. Đại diện một DN than thở: "Có nói cũng chẳng giải quyết được gì. Hồi dự thảo thông tư, Bộ cũng đề nghị DN góp ý kiến, nhưng các ý kiến đóng góp của DN đã không được ghi nhận".
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư, Luật DN của Chính phủ nhận xét: Khi tôi nghe các công chức nói là "đang làm đúng quy định" để trả lời những kiến nghị của DN, tôi thấy một sự vô cảm. Tại sao họ không nghĩ đến một phương án tốt hơn để đề xuất? Sự cô đơn, thất thế của DN chính là một trong những lý do dẫn tới con số hơn 45% DN phải giải thể, ngừng hoạt động thời gian qua...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.