Theo dõi Báo Hànộimới trên

VNPT tăng cường năng lực truyền dẫn quốc tế

Thanh Hà| 21/07/2020 07:17

(HNM) - Ước tính trung bình mỗi tuyến cáp quang biển quốc tế bị sự cố ít nhất 1 lần/năm làm mất dung lượng trên tuyến gây ảnh hưởng không nhỏ đến người dùng trong nước. Trước thực tế này, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đầu tư thêm tuyến cáp quang biển quốc tế mới có tên gọi SJC2 (South East Asia - Japan 2 Cable System) để đưa vào hoạt động trong năm tới nhằm tăng cường năng lực truyền dẫn quốc tế, mang đến dịch vụ truy cập internet tốt nhất cho khách hàng…

Kỹ sư VNPT kiểm tra hệ thống mạng bảo đảm cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

SJC2 cũng là tuyến cáp biển quốc tế thứ sáu do VNPT tham gia đầu tư xây dựng, cập bờ vào Việt Nam, kết nối 6 nước Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Như vậy cùng với các tuyến cáp biển hiện đang khai thác như: AAG (Asia America Gateway), APG (Asia Pacific Gateway), AAE-1 (Asia Africa Europe 1), SMW-3 (See Me We-3), Faster, tuyến cáp biển SJC2 sẽ cung cấp thêm dung lượng lớn tốc độ cao kết nối từ Việt Nam đi quốc tế, san tải với các tuyến cáp biển hiện có.

Ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết, khi có sự cố xảy ra với tuyến cáp quang biển, các nhà mạng đều thực hiện giải pháp san tải lưu lượng sang các tuyến cáp quang khác để bảo đảm dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Để bảo đảm an toàn cho mạng lưới và dịch vụ cung cấp tới khách hàng, VNPT đã chủ động xây dựng phương án tham gia đầu tư thêm tuyến cáp quang biển mới, cùng với các đối tác nước ngoài khác. Tuyến SJC2 sẽ giúp làm tăng độ an toàn mạng lưới, nâng cao chất lượng các dịch vụ viễn thông của VNPT, bảo đảm chất lượng kết nối internet của khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng trong trường hợp không may có 1-2 tuyến cáp biển bị sự cố.

Hiện VNPT đang cùng với các đối tác quốc tế đầu tư vào tuyến cáp biển SJC2 với tổng chiều dài cáp ngầm dưới biển là 10.500km, vốn đầu tư ban đầu là 439 triệu USD. Tuyến cáp này kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm 10 điểm cập bờ, trong đó điểm cập bờ Việt Nam là tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Dung lượng thiết kế toàn hệ thống SJC2 là 126Tbps, riêng VNPT sở hữu dung lượng 9Tbps, cho phép triển khai các ứng dụng kết nối internet quốc tế yêu cầu tốc độ cao.

"VNPT đã chủ động tổ chức triển khai dự án đúng trách nhiệm của thành viên Việt Nam, hoàn thành các thủ tục xin cấp giấy phép với các cơ quan quản lý trong nước, làm việc với địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan. VNPT cũng phối hợp tốt với nhà thầu hoàn thành thi công kéo cáp SJC2 cập bờ tại Quy Nhơn. Hiện, VNPT đang hoàn thiện xây dựng trạm cập bờ mới tại Quy Nhơn, đồng bộ với việc đầu tư vào tuyến cáp biển SJC2", ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc VNPT thông tin.

Chia sẻ thêm về quá trình xây dựng tuyến SJC2, đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, sau khi tuyến SJC2 chính thức hoạt động, Quy Nhơn sẽ là "cửa ngõ cáp quang biển quốc tế" thứ ba của VNPT, sau Vũng Tàu và Đà Nẵng. Do trải dài qua vùng biển các nước trong khu vực châu Á và triển khai trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát... nên tiến độ hoàn thành  SJC2 ít nhiều bị ảnh hưởng. VNPT và các thành viên SJC2 đang nỗ lực phối hợp và cùng với nhà thầu để giảm thiểu các ảnh hưởng. Hiện các đơn vị đang tích cực triển khai thi công các đoạn tuyến cáp còn lại, lắp đặt, đo thử thiết bị tại các trạm cập bờ để hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2021. Với việc tuyến SJC2 mới sẽ đưa vào khai thác, nhà cung cấp có thể chủ động hơn trong cung cấp dịch vụ và bảo đảm quyền lợi cho người dùng trong nước khi truy cập internet quốc tế...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
VNPT tăng cường năng lực truyền dẫn quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.