(HNMO) – Với sự hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cũng như sự năng động của các doanh nghiệp, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với ba nước Campuchia, Lào và Myanmar liên tục phát triển trong những năm gần đây.
Tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam với ba nước trên đạt gần 2,5 tỷ USD trong năm 2010, tăng 33,6% so với năm 2009. Trong lĩnh vực đầu tư, cho đến nay có khoảng 270 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại ba nước này với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5 tỷ USD.
Những thông tin trên mới được công bố trong Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) lần thứ hai, diễn ra tại Viên Chăn, Lào. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào, Đại sứ Myanmar tại Lào cùng với các đại biểu của bốn nước và đại diện Ban Thư ký ASEAN.
Hội nghị đã thảo luận cơ chế hợp tác giữa bốn nước nhằm triển khai các kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh CLMV lần thứ năm tổ chức tại Phnôm Pênh, Campuchia vào ngày 16 tháng 11 năm 2010. Hội nghị cũng rà soát lại những kết quả hợp tác kinh tế, thương mại giữa bốn nước Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar kể từ sau Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế bốn nước lần thứ nhất tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 8 năm 2010. Các Bộ trưởng đã trao đổi về những biện pháp triển khai bốn định hướng hợp tác chính đã được thống nhất tại Hội nghị lần thứ nhất là hợp tác thương mại, hợp tác đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và phối hợp chính sách để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa bốn nước với các nước ASEAN còn lại.
Trên cơ sở những trao đổi và thảo luận tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua một bản kế hoạch hành động gồm 16 điểm, đưa ra những biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa bốn nước Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar trong năm 2011. Các biện pháp này tập trung vào những lĩnh vực như phát triển các thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin về các chính sách, quy định về thương mại và đầu tư của mỗi nước, phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý thị trường, tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phối hợp kêu gọi hỗ trợ từ các đối tác phát triển, phối hợp trong quá trình đàm phán các thỏa thuận thương mại khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.