(HNMO) – Các loại virus trở nên nguy hiểm hơn gấp 10 lần nếu bệnh nhân bị nhiễm bệnh vào buổi sáng. Đây là nghiên cứu mới nhất do trường đại học Cambridge công bố.
Các thử nghiệm trên động vật cho thấy cơ chế sinh học của cơ thể bị phá vỡ và dễ bị tổn thương trước sự tấn công của virus. Phát hiện mới này mở ra một triển vọng mới trong việc ngăn chặn các đại dịch.
Không giống như vi khuẩn hay ký sinh trùng, virus phụ thuộc hoàn toàn vào việc khống chế bộ máy bên trong tế bào để tự tái tạo. Tuy nhiên, các tế bào trong cơ thể thay đổi theo chu kỳ 24h – còn được biết đến với tên gọi đồng hồ sinh học.
Trong nghiên cứu này, những con chuột thí nghiệm bị nhiễm cúm từ virus herpes trong điều kiện tương tự nhau, chỉ khác về thời điểm. Kết quả cho thấy chuột bị nhiễm bệnh vào buổi sáng có lượng virus trong cơ thể cao gấp 10 lần so với những con khác.
Giáo sư Akhilesh Reddy đánh giá: “Đó là một sự khác biệt rất lớn. Virus cần xâm nhập vào cơ thể đúng thời điểm”. Ông tin rằng kết quả này rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. “Khi đại dịch bùng phát, việc tập trung các biện pháp phòng ngừa vào buổi sáng sẽ giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng dân cư”.
Điều này cũng cho thấy những người hay phải làm việc ca đêm và có lịch làm việc thất thường sẽ khiến đồng hồ sinh học của cơ thể bị phá vỡ và dễ bị nhiễm bệnh do virus hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.