(HNMĐT) - Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến hạn phải bàn giao, nghiệm thu công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia để kịp phục vụ Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11/2006. Hơn 5.000 cán bộ, công nhân đang ngày đêm hối hả với công việc, quyết tâm hoàn thành công trình đúng tiến độ.
Mặt trước của TT Hội nghị quốc gia (phía đường Láng - Hòa Lạc). Ảnh: T.Q
Sáng 5/7 chúng tôi có mặt trên công trường của dự án trọng điểm Trung tâm Hội nghị quốc gia, tận mắt chứng kiến sự hối hả, khẩn trương của những người lao động vì sự phồn vinh của Đất nước: Những chiếc xe tải chở đất, cát, bê tông, cây cảnh... nườm nượp ra vào, cuốn theo những đám bụi mịt mù. Trong nắng hè oi ả, từng nhóm công nhân đang mỗi người một việc: Nơi ốp lát, trát tường, nơi trộn bê tông, nơi trồng cây xanh, làm đường... ; Những chiếc cần cẩu đang mẫn cán nâng những tấm bê tông trong tiếng động cơ ầm ầm của máy xúc, máy làm đường.
Trung tâm Hội nghị quốc gia không chỉ là công trình trọng điểm của Đất nước, mà còn là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khu đất thực hiện dự án nằm ở phía Tây Bắc nút giao thông Phạm Hùng - Láng Hòa Lạc (thuộc địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm của Hà Nội), có tổng diện tích khoảng 64 ha. Đây sẽ là nơi tổ chức các đại hội, hội nghị lớn của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghị quốc tế, cũng như các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại lớn có ý nghĩa quan trọng của Quốc gia. Công trình chính là Trung tâm Hội nghị quốc gia có diện tích sàn khoảng 60 ngàn m2 xây dựng, trong đó phòng họp chính có quy mô tới 3.800 chỗ ngồi, phòng tiệc cho 1000 thực khách, bãi đỗ xe ngầm hơn 500 chỗ. Trên đó là quảng trường và 1 bãi đỗ xe nổi với 320 chỗ. Ngoài ra còn có một sân bay trực thăng, công trình hệ thống pin mặt trời và những công trình hạ tầng phụ trợ khác như đồi cỏ, hồ nước, đường nội bộ, cây xanh cảnh quan... Chủ đầu tư là Bộ Xây dựng.
Phó giám đốc Ban Quản lý dự án ĐTXD Nhà quốc hội và Hội trường Ba Đình mới (BQLDA), ông Hoàng Bích Mạc cho biết: Dự án xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia là công trình dân dụng có quy mô lớn, kỹ thuật cao, thời gian chuẩn bị đầu tư, thiết kế thi công ngắn (22 tháng). Đây cũng là lần đầu tiên một dự án lớn (gần 4.300 tỷ đồng) được giao cho các nhà thầu Việt Nam quản lý, điều hành với vai trò là thầu chính cùng đầy đủ lực lượng xây dựng mạnh trong cả nước tham gia xây dựng. Để có được ngày hôm nay, BQLDA đã phải vượt qua một trong những khâu căng thẳng nhất là giải phóng mặt bằng (GPMB). Đặc biệt, là việc di chuyển hơn 2 ngàn ngôi mộ của người dân địa phương. Được sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền Tp Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm và xã Mễ Trì, việc GPMB đã hoàn tất đúng tiến độ, đảm bảo cho ngày khởi công dự án đúng ngày 15/11/2004.
Lực lượng tham gia thi công dự án là tổ hợp 9 nhà thầu chính, gồm các TCty mạnh như Vinaconex, Lilama, Coma, Constrexim, TCty Sông Hồng, Bạch Đằng, Licogi, Hadinco, trong đó TCty Xây dựng Hà Nội ( Hadinco) là đơn vị "cầm chịch". Tư vấn thiết kế là liên danh GMP - Inros Lackener (CHLB Đức). Các tư vấn phụ là Cty Xây dựng dân dụng Việt Nam (VNCC); Cty tư vấn thiết kế xây dựng (CDC).
Nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật của công trình còn rất ngổn ngang. Ảnh: T.Q
Đường xuống gara ngầm vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: T.Q
Nhìn những khẩu hiệu được căng ngang nhiều nơi trên khắp công trình với nội dung "Vinh quang thuộc về những người đúng hẹn", cũng như "mục sở thị" công việc hàng ngày của những công nhân trên công trường, chúng tôi thấy rõ sự quyết tâm của những người lao động. Tuy nhiên, nhìn cảnh ngổn ngang với khối lượng lớn công việc còn "ngồn ngộn" chưa xong từ tòa nhà chính cho tới hầu hết các hạng mục bên ngoài, từ việc xây dựng, cũng như lắp đặt thiết bị nội thất, ít ai có thể nghĩ rằng công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia sẽ hoàn thành 100% trước tháng 10/2006. Nếu như điều đó xảy ra thật, thì họ hoàn toàn xứng đáng là "những người lao động vinh quang!"
Nhóm PV Hànộimới Điện tử
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.