(HNM) - Cùng với phí, các nguồn khác (như vay, viện trợ...), thuế là nguồn thu quan trọng bảo đảm chi tiêu nhà nước. Đặc biệt, thuế - số tiền thu của công dân, hoạt động giao dịch, tài sản... - có vai trò tái phân phối thu nhập, điều tiết các hoạt động kinh tế - xã hội.
Nói cách khác, đóng thuế vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi, niềm vinh dự, sự tự hào của cá nhân, pháp nhân. Vì, dựa trên nguồn thu từ thuế, Nhà nước có điều kiện triển khai các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện các dự án đầu tư công... Và, cũng với việc đóng thuế, cá nhân, pháp nhân trực tiếp được thể hiện dấu ấn, sự đóng góp vào công cuộc phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội của đất nước.
Đóng thuế, được đóng thuế là vinh dự, cũng là trách nhiệm! Chuyện nợ đọng, chây ỳ nghĩa vụ thuế, về cơ bản, là "cực chẳng đã". Thực tế, trong số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) nợ đọng thuế, có những cá nhân, đơn vị bị ảnh hưởng bởi những nguyên nhân khách quan trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hoặc chấm dứt kinh doanh; nhưng cũng có những đơn vị cố tình chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ. Để bảo đảm nguồn thu ngân sách, bảo đảm công bằng nghĩa vụ đóng góp (thuế) của mọi doanh nghiệp cho các hoạt động của đất nước, rõ ràng việc đôn đốc, thu hồi thuế nợ đọng, bảo đảm tiến độ nộp thuế theo kế hoạch có vai trò hết sức quan trọng.
Tại Công văn số 1362/UBND-KT (ngày 10-3-2016) về việc tăng cường các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn, UBND TP Hà Nội yêu cầu Cục Thuế thành phố tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, tham mưu để thành phố kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh; kiến nghị cấp có thẩm quyền tạo cơ chế, chính sách để DN có nguồn vốn phát triển, tăng thu nhập và có nguồn tài chính nộp thuế, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách...
Tức là, việc thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các DN nợ thuế; thu thập thông tin phản hồi của người nộp thuế để xác định chính xác nguyên nhân nợ thuế, từ đó có giải pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế phù hợp với từng trường hợp cụ thể, bảo đảm thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho DN là giải pháp tối quan trọng. Qua đó, cơ quan chức năng vừa có “phương án” với từng trường hợp cụ thể, vừa tạo môi trường để DN yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sửa đổi cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế; thực hiện tốt chính sách miễn, giảm, gia hạn về thuế của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN cần được triển khai đồng bộ.
Đặc biệt, các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cần bảo đảm đúng quy định về quản lý thuế, quy trình về công tác quản lý nợ thuế… nhất là với những DN nợ thuế có lý do thỏa đáng. Trường hợp cố tình nợ, có dấu hiệu vi phạm, phải được xử lý nghiêm khắc, nhằm bảo đảm công bằng xã hội, công bằng giữa các cá nhân, tổ chức đóng thuế.
Với Hà Nội, 22.500 tỷ đồng là tổng số tiền nợ thuế mà Cục Thuế thành phố phải thu hồi trong năm 2016. Thực tế thời gian qua, việc thu hồi thuế nợ đọng, đôn đốc cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nộp thuế đúng tiến độ là một điểm sáng. Việc vừa đôn đốc, vừa xem xét có ứng xử phù hợp với từng trường hợp cụ thể là một kinh nghiệm cần được phát huy.
Đôn đốc nộp thuế, tăng cường giải pháp thu hồi nợ đọng thuế là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, mà ngành Thuế cần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện trên tinh thần "3 đồng hành, 5 hỗ trợ" DN của Thủ tướng Chính phủ mà TP Hà Nội đang tích cực thực hiện. Bởi lẽ, khi nền kinh tế càng phát triển thì khoản thu (từ thuế) càng tăng. Chính sách thuế tạo sự công bằng cho mọi đối tượng, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.