(HNM) - Huyện Đan Phượng vinh dự là đơn vị đầu tiên của Thủ đô Hà Nội được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Với kết quả này, huyện Đan Phượng vinh dự là đơn vị đầu tiên của Thủ đô Hà Nội được Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ và nhân dân huyện Đan Phượng mà còn là sự đóng góp hiệu quả vào phong trào xây dựng NTM của toàn TP Hà Nội.
Trường Tiểu học Song Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Bá Hoạt |
Thay đổi nhanh, mạnh, toàn diện
Ai đến thôn La Thạch, xã Phương Đình hôm nay hoặc đến bất cứ một thôn, xóm nào khác trên địa bàn các xã thuộc huyện Đan Phượng đều tấm tắc trước quang cảnh khang trang: Đường làng ngõ xóm thảm bê tông sạch sẽ, hệ thống thoát nước có nắp đậy; tối đến, các ngõ xóm đều có đèn điện sáng trưng. Cả thôn có hơn 30 ghế đá đặt ở các điểm công cộng. Nhiều người thôn La Thạch nói, được như ngày hôm nay là nhờ phong trào xây dựng NTM. Quả thực, Đan Phượng bắt tay vào xây dựng NTM bằng quyết tâm và những sáng kiến táo bạo từ chính nguồn nội lực. Hơn 4 năm qua, cả huyện như một "đại công trường xây dựng", khi mỗi gia đình, mỗi xóm thôn đều hừng hực khí thế xây dựng NTM. "Nhà nước hỗ trợ xi măng, cát, sỏi; nhân dân đóng góp ngày công, vận động hiến đất mở rộng những chỗ đường cong, ngõ cụt". Phong trào này được lan tỏa nhanh trong toàn huyện. Anh Phạm Văn Tiến sinh năm 1979 ở Cụm 5 xã Hồng Hà cho biết "Gia đình tôi đã hiến gần 50m2 đất vườn, chưa kể tiền đổ đất, bó vỉa, đổ bê tông mặt ngõ". Với khí thế đó, chỉ sau một thời gian ngắn phát động, toàn huyện đã xây dựng được 22km đường trục thôn, 19km rãnh thoát nước, 136,7km đường ngõ xóm, 80,6km đường trục chính nội đồng với tổng kinh phí 317,4 tỷ đồng. Nhân dân đóng góp 413.722 ngày công và hiến 2.522,2m2 đất thổ cư, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp. Có 31 doanh nghiệp ủng hộ nhân công, máy móc với số tiền là 25,554 tỷ đồng (doanh nghiệp ủng hộ nhiều nhất là 2,1 tỷ đồng). Nhờ vậy mà cả huyện Đan Phượng đã tiết kiệm được 234,5 tỷ đồng so với dự toán ban đầu.
Không chỉ những tuyến đường giao thông được xây dựng khang trang, hệ thống kênh mương, điện, trường cũng được xây mới, cải tạo đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, học tập và làm việc của người dân. Đặc biệt, ngoài nhà văn hóa, khu thể thao ở các thôn, cụm dân cư, tất cả các xã trên địa bàn huyện đều đã xây dựng được các sân thể thao, nhà văn hóa quy mô xã (điều này trước khi xây dựng NTM gần như chưa xã nào có). Đan Phượng cũng là huyện đầu tiên của thành phố có quy hoạch hơn 10ha xây dựng khu văn hóa, thể thao của huyện. Đến nay, đã xây dựng xong 1 khu tượng đài liệt sĩ diện tích 2ha, khu trung tâm văn hóa, thể thao gồm nhà thi đấu đa năng 3.000m2; sân vận động 7.600 chỗ ngồi, có mái che khu khán đài A, B.
Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Đan Phượng đã ban hành Chỉ thị số 06 (2011), Chỉ thị số 22 (2013) về xây dựng thôn, phố xanh - sạch - đẹp và xây dựng nếp sống văn hóa để chỉ đạo thực hiện; tập trung chỉ đạo các xã tổ chức, vận động nhân dân triển khai làm cổng làng, cổng chào; kè ao, trồng cây xanh và xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng trên tất cả các tuyến đường trong khu vực dân cư do xã quản lý theo tiêu chí NTM. Đến nay, các xã đã làm được 34 cổng làng, 106 cổng chào, kè 47 ao môi trường, trồng được 132.000 cây xanh, lắp đặt 8 hệ thống đèn chiếu sáng. Ngoài ra, mỗi xã còn có trên 15 tuyến đường tự quản trong khu dân cư bảo đảm tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp. Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, huyện đã quyết định lập sổ vàng ghi danh tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp để khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM.
Mô hình trồng hoa ly tại huyện Đan Phượng cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Bá Hoạt |
Hộ giàu tăng nhanh, hộ nghèo giảm mạnh
Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, là điều kiện tiên quyết để đạt được những tiêu chí còn lại. Trong quá trình xây dựng NTM, Đan Phượng đã chú trọng đến công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. "Ở xã Trung Châu, kể từ khi có phong trào xây dựng NTM, xã đã khuyến khích các hộ đổi ruộng cho nhau để làm vườn trại, UBND xã tận dụng diện tích đất sản xuất kém hiệu quả giao cho các hộ có điều kiện thâm canh đầu tư, cải tạo làm trang trại có thu nhập cao. Chăn nuôi liên tục phát triển, theo quy mô lớn tập trung xa khu dân cư, hình thức bán công nghiệp. Một số hộ chăn nuôi có ứng dụng công nghệ cao như xây dựng chuồng với các trang thiết bị làm mát, máy cho lợn ăn, uống nước… Trung Châu có tổng đàn lợn 33.000 con, chiếm 55% tổng đàn của huyện. Đa số các hộ chỉ nhờ chăn nuôi mà có thu nhập đạt 150 - 200 triệu đồng/năm. Một số hộ chăn nuôi quy mô lớn hơn thu nhập cao từ 1 tỷ đến 2 tỷ đồng/năm. Xã được UBND TP Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2014, cán đích trước 5 năm so với mục tiêu của huyện đề ra" - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hậu cho biết.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng: Đan Phượng có lợi thế ven đô, có khả năng cung cấp các sản phẩm về nông nghiệp cho Thủ đô, huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được trên 951ha, trong đó 387,4ha cây ăn quả, đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, phát triển ngành Nông thôn và thị trường tiêu thụ. Nhờ vậy, giá trị thu nhập trên héc ta canh tác của huyện đã đạt 160 - 250 triệu đồng/năm. Trong chăn nuôi, huyện tập trung khuyến khích thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi như lợn siêu nạc, bò thịt BBB, bò lai sind, bò sữa.
Ngoài nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại cũng được quan tâm. Huyện đã đầu tư xây dựng 1 cụm công nghiệp tập trung với diện tích 35,8ha (tỷ lệ lấp đầy đạt 96%), 5 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 534 doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút 6.200 lao động. Hằng năm huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố tổ chức hội chợ thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đồng thời, tăng cường dạy nghề, đào tạo nghề. Trong 4 năm qua, huyện đã giải quyết việc làm cho 10.442 lượt lao động, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên toàn huyện đạt 94,13%. Từ đây, thu nhập của nhân dân không ngừng được nâng lên. Đến hết năm 2014 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 28,8 triệu đồng/người/năm (tăng 14,83 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,2%.
Tập trung lo cho dân
Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng NTM, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tất Thắng cho biết: Ngay từ đầu, huyện đã xác định đây là chương trình trọng điểm nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn trong suốt nhiệm kỳ 2010-2015 và những năm tiếp theo. Công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu với nhiều hình thức phong phú, theo hướng gọn, rõ, sát đối tượng nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Sau một thời gian tuyên truyền quyết liệt, người dân đã thực sự thấy chính họ là chủ thể quan trọng trong xây dựng NTM, là người được hưởng thụ thành quả từ NTM mang lại nên đồng thuận cao.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, huyện thực hiện chủ trương tập trung, nhất quán và quyết tâm cao. Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định từ nghị quyết đến chương trình, kế hoạch; thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách từng tiêu chí, từng xã; giao ban định kỳ hằng tháng, hằng quý để kiểm tra, rà soát kết quả để tập trung chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc. Tổ công tác giúp việc của huyện nắm tiến độ, kịp thời tham mưu Ban chỉ đạo, UBND huyện xử lý vướng mắc, hạn chế, hỗ trợ, hướng dẫn các xã thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; tổng hợp báo cáo và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp giúp cho Ban chỉ đạo huyện giải quyết. Hằng tuần, hằng tháng, hằng quý, Huyện ủy, UBND huyện tổ chức kiểm tra các xã về tiến độ thực hiện, chỉ đạo cụ thể từng vấn đề cần giải quyết, tháo gỡ khó khăn, đôn đốc, chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn, cụm dân cư nên thời gian cán đích công tác xây dựng NTM sớm hơn mục tiêu nghị quyết đề ra.
Nét nổi bật trong phong trào xây dựng NTM của Đan Phượng là đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo trong huy động sức dân với phương châm "lấy sức dân để lo cho dân"; "dân làm có sự hỗ trợ của nhà nước"; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ". Cụ thể, trong xây dựng đường giao thông nông thôn, đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo chính sách hỗ trợ của thành phố (theo quy định của Quyết định 16/2012). Quy định của thành phố là hỗ trợ sau đầu tư, nhưng lãnh đạo huyện đã quyết định vận động các doanh nghiệp cung ứng vật liệu theo hình thức trả chậm để ứng trước vật liệu cho dân xây dựng đường xóm, ngõ. Ban chỉ đạo huyện kiểm tra thực tế và duyệt thiết kế từng tuyến đường, các doanh nghiệp tư vấn chỉ lấy tiền giấy bút, các đơn vị tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng ủng hộ 35% giá trị nhân công, máy móc; nhân dân đóng góp ngày công và hiến đất mở đường... Với việc huy động nguồn lực đa dạng nên trong gần 5 năm, huyện đã huy động được trên 1.982 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước là trên 1.552 tỷ đồng, doanh nghiệp, HTX đóng góp hơn 97 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 201 tỷ đồng, các nguồn vốn khác là hơn 129 tỷ đồng.
Sau hơn 4 năm thực hiện xây dựng NTM kinh tế của huyện đã phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%/năm. Chất lượng tăng trưởng có mặt vững chắc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Năm 2014, cơ cấu kinh tế nông nghiệp - thủy sản chiếm 10,51%; công nghiệp - xây dựng chiếm 38,14%; dịch vụ - thương mại chiếm 51,35%. Đến hết năm 2014, huyện có 13 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Trong đó, có nhiều tiêu chí đạt ở mức cao như 100% số xã đã đạt các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, nhà ở dân cư, bưu điện, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, giáo dục, an ninh trật tự.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt: Trong quá trình tiếp nhận chỉ đạo của thành phố về Chương trình xây dựng NTM, huyện Đan Phượng đã tổ chức bài bản, quyết liệt và có nhiều sáng tạo, đổi mới trong cách làm. Cụ thể, huyện đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, hệ thống các văn bản chỉ đạo bài bản, khoa học. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo huyện sâu sát với Chương trình, thường xuyên kiểm tra (ngay cả với các dự án nhỏ như làm đường giao thông ngõ xóm) để có biện pháp chỉ đạo hợp lý. Trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là trong xây dựng hạ tầng, huyện đã huy động được doanh nghiệp ứng vốn, làm công trình không lợi nhuận và nhân dân góp công, góp của nên đã hạ được giá thành xây dựng các công trình hạ tầng, riêng với làm đường giao thông thôn xóm, kinh phí chỉ bằng 70% so với xây dựng tuyền đường tương tự ở các huyện khác. Không những vậy, huyện Đan Phượng còn đạt được những kết quả rất nhanh trong phong trào xây dựng NTM thành phố cả trong xây dựng cơ sở hạ tầng lẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các tiêu chí đồng đều. Kết quả xây dựng huyện NTM đã tác động mạnh mẽ đến phong trào xây dựng NTM của Thủ đô. Huyện đã hoàn thành xây dựng NTM tại 13 xã, đóng góp vào kết quả chung trong phong trào xây dựng NTM Thủ đô hoàn thành vượt chỉ tiêu đại hội thành phố đề ra. Kết quả này cũng đã khích lệ, lôi kéo các huyện khác cùng phấn đấu để xây dựng NTM. Những sáng tạo trong phong trào xây dựng NTM ở Đan Phượng đã và đang được thành phố tổng kết, đúc rút để phổ biến cho các huyện. Trên kinh nghiệm thực tế từ huyện Đan Phượng, các đoàn trong và ngoài nước về thăm, học tập… Minh Phúghi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.