Hội đồng Khoa học L’Oréal - UNESCO Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học của Việt Nam năm 2015 đã vinh danh 3 nữ nhà giáo - nhà khoa học có những đóng góp tích cực trong công tác nghiên cứu vì sức khỏe cộng đồng và cải thiện tình trạng môi trường.
Đó là ba nhà khoa học: bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan - Bác sĩ chuyên khoa II bệnh viện Nhân dân 115, giảng viên Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TP HCM; TS. Phạm Thị Kim Trang- Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ môi trường và phát triển bền vững (trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và PGS.TS Nguyễn Lan Hương- Nghiên cứu viên, Phó phòng Hợp tác quốc tế, trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội.
Ba nhà khoa học nữ đạt giải thưởng L’Oréal - UNESCO năm 2015 |
GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Giải thưởng L'Oréal-UNESCO năm 2015 cho biết, ba nhà khoa học đạt Giải thưởng năm nay được vinh danh bởi những đóng góp của họ trong các nghiên cứu vì sức khỏe cộng đồng và cải thiện tình trạng môi trường. Bằng các nghiên cứu từ vĩ mô đến vi mô, các nhà khoa học nữ đã đẩy lùi biên giới của trí thức để góp phần giải quyết một số thách thức lớn nhất của thời đại ngày nay.
Họ là những người yêu cuộc sống, đam mê công việc, họ cũng cam kết trở lại phục vụ cộng đồng và truyền lại tình yêu khoa học của mình.
Cụ thể, bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan - Bác sĩ chuyên khoa II bệnh viện Nhân dân 115, giảng viên Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TP HCM được vinh danh qua các nghiên cứu trong 7 năm qua về ảnh hưởng của các yếu tố gene và môi trường đến loãng xương. Nhóm nghiên cứu của BS Thục Lan đã thực hiện nhiều nghiên cứu quy mô và đã đạt những kết quả khả quan trong chẩn đoán loãng xương: thông qua việc xây dựng được giá trị tham chiếu cho riêng người Việt và trong chẩn đoán gãy xương cột sống thông qua việc xây dựng giá trị tham chiếu kích thước đốt sống cho người Việt.
Những phát hiện mới từ quá trình nghiên cứu của BS Thục Lan đã giúp mở ra nhận thức mới về ảnh hưởng của thành phần cơ thể đến mật độ xương, đặc biệt cho thấy phát triển khối lượng cơ bắp hoặc tăng cường hoạt động thể chất chính là một biện pháp quan trọng trong thực hành lâm sàng giúp ngăn ngừa mất xương và loãng xương trong cộng đồng.
TS. Phạm Thị Kim Trang- Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ môi trường và phát triển bền vững (trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) được Hội đồng Khoa học bình chọn cho nghiên cứu đánh giá vấn đề ô nhiễm thạch tín trong nước ngầm và tác động đến sức khỏe của con người. Đề tài nghiên cứu của TS Kim Trang tập trung nghiên cứu vào thạch tín là nguyên tố có độc tính rất cao, có liên quan tới một số bệnh ung thư và gây nguy cơ tác động xấu tới sức khỏe người dân bị phơi nhiễm thạch tín trong nước ăn uống.
Nghiên cứu của TS Kim Trang đã góp phần lý giải con đường hình thành thạch tín trong nước ngầm, cho thấy sự có mặt của thạch tín trong các tầng chứa nước Holocen và Pleistocen có thể chịu tác động từ việc khai thác nước ngầm quy mô lớn, đặc biệt là xây dựng được bản đồ ô nhiễm thạch tín trong nước ngầm tầng nông Holocen trong các giếng khoan tại khu vực đồng bằng sông Hồng.
PGS.TS Nguyễn Lan Hương- Nghiên cứu viên, Phó phòng Hợp tác quốc tế, trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội được đề cử và bình chọn cho giải thưởng Nhà Khoa học nữ năm 2015 L’Oreal For Women in Science với những phát hiện về ảnh hưởng xấu của ô nhiễm kim loại nặng trong đất gây ra cho môi trường và đặc biệt đến sức khỏe con người.
Một trong các kết quả nghiên cứu của PGS TS Nguyễn Lan Hương đã chỉ ra rằng các kim loại nặng như Cadimium (Cd) là một trong những nguyên tố có độ độc khá cao, khi tích lũy với hàm lượng lớn trong cơ thể người và động vật sẽ gây bệnh về thận, ngoài ra còn gây bệnh mềm xương, bệnh áp huyết cao và bệnh tim mạnh hay Chì (Pb) là một trong những nguyên tố độc nhất trong tự nhiên trên trái đất.
Với nồng độ chì (Pb) cao tích tụ trong cơ thể sẽ có thể gây ra các bệnh về trí não và có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.Ngoài ra, khi nồng độ chì (Pb) trong cơ thể người quá cao cũng gây ra các bệnh về thận.
Những phát hiện mới trong nghiên cứu của PGS TS Nguyễn Lan Hương đã chỉ ra rằng hàm lượng kim loại nặng trong nước tưới tỷ lệ thuận với hàm lượng kim loại nặng trong đất nông nghiệp. Từ đó nghiên cứu cũng đã đề xuất giải pháp làm giảm thiểu sự tích lũy kim loại nặng trong đất nông nghiệp cho các vùng ngoại thành Hà Nội.
Ngoài ra, giải thưởng L’Oréal - UNESCO năm nay còn trao giải Nhà khoa học tiềm năng được trao cho TS. Trần Thị Hiền- giảng viên Đại học Y dược Thái Bình.
Chương trình hỗ trợ các nhà nghiên cứu nữ qua giải thưởng L'Oréal Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học là một sáng kiến được thực hiện trên phạm vi toàn cầu phối hợp với UNESCO, đến nay đã vinh danh 2,250 nhà khoa học nữ trên toàn thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.