Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vinamilk khẳng định thương hiệu trên thị trường

Trang Linh| 07/09/2016 07:10

Bốn mươi năm, một chặng đường dài của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với nhiều cột mốc tăng trưởng ấn tượng.

Nhớ lại ngày đầu thành lập, Vinamilk gặp không ít khó khăn, thiết bị công nghệ cũ, không có nguồn ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu, nên doanh nghiệp (DN) hoàn toàn thụ động trong sản xuất. Để giải quyết khó khăn, Vinamilk chủ động liên doanh với các DN xuất nhập khẩu, đồng thời cho ra mắt nhãn hiệu sữa đặc Ông Thọ. Dòng sản phẩm này được coi là cao cấp lúc bấy giờ. Sau hơn một thập niên, từ vài trăm triệu đồng ban đầu, công ty đã nâng vốn tự có lên 20 tỷ đồng, gia tăng được sản lượng, doanh thu vượt kế hoạch (năm 1987).

Các sản phẩm của Vinamilk được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Mạnh Quân


Tưởng rằng con đường phát triển đã thuận lợi, nhưng năm 1990 một “cơn bão” khó khăn mới lại ập đến với Vinamilk. Do tình hình kinh tế trong nước, công ty không nâng cấp được công nghệ sản xuất sữa, nguồn nguyên liệu tiếp tục rơi vào thế bị động. Vậy, làm sao có thể giảm chi phí nguyên liệu để giảm giá thành sản phẩm là bài toán khó, nhưng với tinh thần tự lực cao, những con người của Vinamilk đã vượt qua được những thách thức đó. Đỉnh điểm đánh dấu sự tăng trưởng mạnh vượt bậc của Vinamilk được xác định vào 3 năm trước, khi công ty đầu tư 2 siêu nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng tại Bình Dương. Nhà máy sản xuất sữa nước rộng hơn 20ha tại Bình Dương, công suất 800 triệu lít sữa mỗi năm. Cùng với nhà máy sữa nước, nhà máy sữa bột với công suất 54.000 tấn sữa bột mỗi năm, ngay khi vận hành trong tháng 4-2013 đã giúp Vinamilk đạt doanh thu khoảng 31.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012. Mặt khác, Vinamilk đang có 11 nhà máy sản xuất sữa chua cùng nhiều sản phẩm dành cho từng phân khúc như sữa chua Probi, sữa chua Susu dành cho trẻ em, sữa chua Probeauty dành cho phái đẹp..., với công suất 6,5 triệu hũ mỗi ngày...

Cùng với 13 nhà máy tại Việt Nam và 3 nhà máy tại Mỹ, New Zealand và Campuchia, Vinamilk còn có 10 trang trại ở khắp Việt Nam với bò giống nhập khẩu từ Australia, Mỹ và New Zealand. Tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết lên tới hơn 120.000 con, cung cấp khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Dự kiến sẽ được nâng lên khoảng 160.000 con vào năm 2017 và khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu đến năm 2020 sẽ tăng lên gấp đôi. Với việc sở hữu 100% cổ phần Driftwood hồi tháng 5-2016, mỗi năm Vinamilk có thêm vài nghìn tỷ đồng doanh thu từ công ty đặt tại Mỹ. Trước đó, năm 2012, Vinamilk góp vốn vào Nhà máy Miraka tại New Zealand, đã mang về tổng cộng hơn 2 triệu NZD cho Vinamilk. Công ty cũng tiên phong xây dựng nhà máy sữa đầu tiên tại Campuchia, khi tháng 5 vừa qua đã khánh thành Nhà máy Angkor Milk 23 triệu USD tại xứ sở Chùa tháp. Với công suất 38 triệu lít sữa nước, 192 triệu hũ sữa chua mỗi năm phục vụ nhu cầu người dân Campuchia và khu vực vào năm 2024.

Trong tháng 6-2016, Vinamilk đã được vinh danh là DN dẫn đầu về tăng trưởng bền vững trên sàn chứng khoán trong 5 năm liên tiếp (2011-2015). Đến nay, Vinamilk cũng là DN có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với 9,2 tỷ USD. Với những chiến lược được đặt ra có thể thấy mục tiêu là một trong 50 DN sữa lớn nhất thế giới với doanh thu 3 tỷ USD trong thời gian tới là điều không xa với Vinamilk.

Không chỉ chú trọng đến sản xuất - kinh doanh, Vinamilk còn quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Trong đó có Quỹ Sữa vươn cao Việt Nam, Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam... cùng nhiều hoạt động có ý nghĩa khác.

Công ty Vinamilk đã chiếm lĩnh thị trường trong nước với khoảng 55% thị phần sữa nước, 85% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% sữa bột và chiếm lĩnh cả 3 hình thức phân phối là bán buôn, bán lẻ (212.000 điểm bán lẻ) và cửa hàng phân phối trực tiếp (575 cửa hàng). Sản phẩm của Vinamilk cũng có mặt ở gần 1.500 siêu thị và gần 600 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc. Đến nay, các sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia yêu cầu rất cao về chất lượng như Nhật, Canada, Mỹ, Australia...

Vào cuối tháng 8-2016, Vinamilk được Tạp chí Forbes Châu Á xếp ở vị trí thứ 24 trong danh sách 50 công ty niêm yết hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tính theo vốn hóa thị trường (với mức vốn hóa là 9,2 tỷ USD, doanh thu 1,8 tỷ USD)...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vinamilk khẳng định thương hiệu trên thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.