Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vimedimex ký hợp tác với đối tác Đức ứng dụng liệu pháp trị liệu phóng xạ

PV| 06/02/2023 21:30

Ngày 6-2, tại Hà Nội, Vimedimex, Cermed GmbH đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với các tập đoàn dược phẩm và y tế hàng đầu của châu Âu. Đây được xem như chiếc chìa khóa mở cánh cửa, kết nối hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam với khu vực có nền y khoa tiên tiến của thế giới.

Lễ ký kết diễn ra ngày 6-2 tại Hà Nội.

​Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex với bề dày kinh nghiệm hơn 40 năm là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực dược phẩm, y tế đã triển khai hợp tác với các tập đoàn dược phẩm, y tế hàng đầu, ứng dụng đặc tính bức xạ của đồng vị, dược chất phóng xạ để nghiên cứu, đánh giá quá trình sinh bệnh lý và chuyển hóa của cơ thể, nhằm mục đích nâng hiệu quả chẩn đoán, điều trị.

Hiệu quả ứng dụng lâm sàng của y học hạt nhân đã đóng góp đáng kể vào nâng cao chất lượng chẩn đoán và hiệu quả điều trị bệnh nhân, đặc biệt trong một số chuyên ngành như ung thư, tim mạch, tiết niệu và nội tiết… 

Cơ hội tiếp cận kỹ thuật mới

Thứ nhất: Với sự phát triển ngày càng nhiều dược chất phóng xạ phù hợp cho các ứng dụng chẩn đoán và điều trị theranostics, việc sử dụng dược chất phóng xạ mới đã trở nên rộng rãi trên thế giới và đang được đẩy mạnh ứng dụng trong lâm sàng tại Việt Nam. Chính vì vậy, Vimedimex, Cermed GmbH cùng với Công ty RadioVaxx GmbH, Wiesbaden liên danh với Công ty Eczacibasi Monrol (Eczacıbaşı-Monrol) của Thổ Nhĩ  Kỳ, mục tiêu sản xuất, bào chế: 

1. Dược chất phóng xạ điều trị thụ thể Peptid và kháng nguyên màng đặc hiệu tuyến tiền liệt PSMA, kết hợp với các hạt nhân phóng xạ phát tia β (Lu-177, Y-90) hoặc các hạt nhân phát tia α (Ac-225, Bi-213) trong điều trị bệnh lý u thần kinh nội tiết với 177Lu-Dotatate và điều trị bệnh lý ung thư tiền liệt tuyến di căn.

2. Dược chất phóng xạ ghi hình phỏng đoán Ge68/Ga68 là một đồng vị phóng xạ có nhiều ứng dụng mới tiềm năng, đặc biệt trong việc đánh dấu phóng xạ, ghi hình chẩn đoán xác định giai đoạn bệnh, theo dõi đáp ứng sau điều trị của các bệnh lý ung thư thần kinh nội tiết, tuyến tiền liệt… đặc biệt với ung thư tuyến tiền liệt - đứng thứ tư trong các loại ung thư phổ biến với số lượng gần 1,3 triệu ca mắc mới và đứng thứ 8 về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư. Do vậy, đồng vị phóng xạ Ge68/Ga68 được chỉ định dùng trong chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), giúp xác định các tổn thương dương tính với kháng nguyên màng đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSMA) ở bệnh nhân ung thư. 

Cấu trúc của dược chất phóng xạ Ge68/Ga68 đặc biệt đơn giản, nó bao gồm một iôn gali-68 liên kết với một phối tử mang chất ức chế kháng nguyên màng đặc trưng của tuyến tiền liệt (PSMA). 

Phối tử đích PSMA lần đầu tiên được nghiên cứu kết hợp với nuclit phóng xạ technetium-99m, được biến đổi để dẫn xuất gali-68 tương ứng, dược chất này, hiện đang được chứng minh rất hiệu quả trong chẩn đoán và độ nhạy phóng xạ đối với các khối u thần kinh nội tiết và tuyến tiền liệt, nâng cao cơ hội chữa khỏi hoặc kiểm soát được bệnh lâu dài cho bệnh nhân. 

Làm việc với Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.

Với sự hợp tác của Vimedimex, Cermed GmbH cùng Công ty RadioVaxx GmbH, Wiesbaden và Công ty Eczacibasi Monrol, người bệnh tại Việt Nam sẽ sớm được thụ hưởng thành quả y học hạt nhân tiên tiến, qua việc trực tiếp sản xuất, bào chế chế phẩm và ứng dụng trị liệu tại Việt Nam.

Thứ hai: Trong kỷ nguyên mới phát triển của y học, các tiêu chí để đảm bảo hiệu quả của thuốc và sự an toàn của bệnh nhân được quan tâm hàng đầu. Một đánh giá cân bằng giữa tỷ lệ chi phí và lợi ích của các liệu pháp có giá trị cao là rất cần thiết. 

Giáo sư Richard P. Baum, Chủ tịch Học viện Trung tâm ung thư chính xác quốc tế (ICPO), thành viên Hội đồng của ICPO, Chủ tịch Ủy ban Khoa học ICPO.

Dịp này, Vimedimex, Cermed GmbH chính thức hợp tác toàn diện với Công ty RadioVaxx GmbH, Wiesbaden được điều hành bởi GS. Richard Baum, một chuyên gia trong lĩnh vực y học hạt nhân, thành lập “Trung tâm trị liệu xạ trị phân tử hạt nhân” đầu tiên ở Việt Nam, quy mô 10-12 giường trị liệu bằng liệu pháp trị liệu phóng xạ thụ thể peptide (PRRT).

Đây là phương pháp trị liệu nhắm đích, bằng liên kết một phân tử peptid nhỏ với một hạt nhân phóng xạ tạo ra một loại dược phẩm phóng xạ đặc biệt (peptit phóng xạ), cung cấp chính xác liều lượng bức xạ điều trị đến mục tiêu là các tế bào khối u và giảm thiểu tác hại đến các tế bào khỏe mạnh. 

Hợp tác này thể hiện định hướng kinh doanh của Vimedimex và Cermed GmbH, đặt lợi ích của người bệnh ở vị trí quan tâm hàng đầu. Thông qua hợp tác giúp người bệnh không phải đi điều trị ở nước ngoài với chi phí cao, mà điều trị ngay tại Việt Nam với liệu trình tương đương. 

Thứ ba: BioNTech hỗ trợ Cermed GmbH và Vimedimex chỉ định Công ty cổ phần Tư vấn nghiên cứu IQ Việt Nam (công ty thành viên của Vimedimex), do PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Điều hành hỗ trợ chuyên môn trong nghiên cứu lâm sàng tại các cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam đối với các loại thuốc ung thư trong hợp tác này. 

Nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tế

Mở đầu cho các hoạt động hợp tác chiến lược toàn diện giữa các bên là chuyến thăm và làm việc của Giáo sư Richard Baum với Vimedimex từ ngày 4 đến 6-2 tại Hà Nội. Giáo sư Richard Baum được cộng đồng khoa học trên toàn thế giới biết đến là một chuyên gia trong lĩnh vực y học hạt nhân, có nhiều năm làm việc với vai trò lãnh đạo tại các ủy ban về y học hạt nhân và phân tử phóng xạ.

Những năm qua, các dược chất phóng xạ điều trị, ghi hình được ra đời, phục vụ và chữa trị ung thư chất lượng và hiệu quả. Hợp tác lần này mang kỹ thuật đó tới bệnh nhân ung thư ở Việt Nam. 

Đại diện Vimedimex cho biết, đây là con đường của Vimedimex và Cermed GmbH lựa chọn, thông qua việc đưa kết quả nghiên cứu khoa học hiện đại vào thực tế, nâng cao chất lượng điều trị nhiều bệnh lý khó và mới tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vimedimex ký hợp tác với đối tác Đức ứng dụng liệu pháp trị liệu phóng xạ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.