Theo dõi Báo Hànộimới trên

Viết tiếp trang sử vẻ vang

HÀNỘIMỚI| 08/03/2010 06:22

(HNM) - Hôm nay, tròn một thế kỷ nhân loại dành ngày 8-3 để tôn vinh phụ nữ - những người đã dũng cảm đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ, vì dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội, vì quyền lợi hạnh phúc của nhân loại.

Hôm nay cũng là ngày cả nước ta tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 1970 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng - hai vị anh hùng liệt nữ đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt; đồng thời ôn lại truyền thống 45 năm Phong trào Phụ nữ "Ba đảm đang". Thêm một lần nữa, chúng ta khẳng định sức sống mãnh liệt và trường tồn của những giá trị tinh thần và vật chất mà phụ nữ vừa là người lao động, là công dân, là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người đã sáng tạo nên.

Đánh giá về vai trò và công lao của phụ nữ, Bác Hồ kính yêu đã từng nói: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ". Lời ngợi khen đó thể hiện tất cả tình cảm trân trọng, niềm tin tưởng và tự hào của Đảng ta, nhân dân ta đối với các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Chiếm gần 51% dân số và hơn 50% lực lượng lao động xã hội, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, phụ nữ Việt Nam đã viết nên trang sử vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Phong trào "Ba đảm đang" trở thành mốc son rực rỡ trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, khẳng định vai trò, khả năng cách mạng to lớn, tinh thần yêu nước, lao động sáng tạo, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và ý chí vươn lên trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và dựng xây đất nước của hàng chục triệu phụ nữ thời đại Hồ Chí Minh. Ngày nay, tri thức và sáng tạo, thông tin và công nghệ mới đã mở ra cơ hội phát triển và hội nhập lớn cho đất nước. Trong điều kiện đó, bên cạnh những thuận lợi và thế mạnh cơ bản, phụ nữ phải đương đầu với những khó khăn, thách thức, những vấn đề xã hội như bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, sự phân biệt đối xử... khiến họ gặp không ít khó khăn khi thực hiện vai trò, thiên chức của mình. Vượt qua những giới hạn đó, các thế hệ phụ nữ đã nỗ lực học tập, lao động, công tác, giành thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội: 49,4% số lao động nữ có việc làm ổn định, trong đó hơn 80% tham gia hoạt động kinh tế; tỷ lệ nữ trong Quốc hội dẫn đầu khối ASEAN, được bạn bè quốc tế ghi nhận là một quốc gia đạt được sự thay đổi nhanh về xóa bỏ khoảng cách giới trong 20 năm qua ở khu vực Ðông - Nam Á...

Trong lịch sử phát triển của phong trào phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Thủ đô Hà Nội đã có những đóng góp tích cực, đưa vị thế người phụ nữ Thủ đô lên tầm cao mới: Tham gia phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", xây dựng hình ảnh "Người Hà Nội văn minh, thanh lịch", hướng tới 1000 năm Thăng Long; tích cực xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, giúp hàng nghìn hộ phụ nữ thoát nghèo... Đặc biệt, cuộc vận động "Toàn dân không vứt, đổ rác ra đường phố và nơi công cộng" do UBND TP phát động, đã và đang được các tầng lớp phụ nữ Thủ đô sôi nổi hưởng ứng, góp phần giữ gìn môi trường sạch đẹp. Đây cũng chính là một trong những nội dung mà Hội LHPNVN triển khai trong năm 2010 là xây dựng gia đình "5 không, ba sạch" (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) tới tất cả các cơ sở Hội...

Trong âm hưởng tưng bừng của đất nước, của Thủ đô đón mùa xuân đặc biệt của dân tộc chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phát huy tinh thần đấu tranh của phụ nữ lao động thế giới, khí phách Hai Bà Trưng, lớp lớp phụ nữ Thủ đô nguyện viết tiếp trang sử vẻ vang "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang", tích cực lao động sáng tạo, vươn lên khẳng định vai trò và vị thế trong mọi lĩnh vực, đóng góp cho Thủ đô phát triển bền vững, thịnh vượng và nhân văn; xứng đáng với danh hiệu Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viết tiếp trang sử vẻ vang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.