(HNMCT) - Những trang sách về Hà Nội được viết nên không chỉ bởi biết bao tác giả chuyên nghiệp, mà những người yêu Hà Nội, những người sinh ra, lớn lên hay dẫu chỉ đi qua một đôi lần mà nặng lòng với mảnh đất này cũng có những câu chuyện về Hà Nội của riêng mình. Sau tác phẩm đầu tiên xuất bản thành công, mới đây, “Chuyện người Hà Nội” (tập 2) của nhóm Hà Nội tri thức đã được ra mắt.
Tập 2 “Chuyện người Hà Nội” gồm gần bốn mươi bài viết, ở đó có tản văn, có khảo cứu, có hồi ức... Ở đó, bạn đọc “gặp” những tác giả Hà Nội quen thuộc như Đỗ Phấn, Vũ Thị Tuyết Nhung, Uông Triều, Vũ Thế Long... cùng nhiều cây bút không chuyên khác. Sự đa dạng về thể loại cùng sự góp mặt của nhiều người viết đã làm nên sức hút cho tập sách.
“Chuyện người Hà Nội” muôn hình vạn trạng. Một đời sống sinh hoạt của Hà Nội xưa cũ, một “phác thảo” chân dung người Hà Nội, hay có khi chỉ là những tản mạn vu vơ về “những sắc vàng Hà Nội”, về “gánh hàng rong gánh đầy kỷ niệm”, về “Hà Nội hay không Hà Nội”... Lật giở từng trang sách, độc giả như được đi sâu thêm vào ngõ ngách văn hóa Hà Nội, từ con phố Hàng Lọng chuyên làm lọng, phố Hàng Trống có vẽ truyền thần đến những “nghề trên phố” như ký họa chân dung, cắt tóc, dọn vệ sinh, “nét chợ cũ Hà Nội” qua những bà bán hàng lá. Cùng với đó là nhiều bài viết mang tính chất khảo cứu như “Quanh cái xích lô Hà Nội”, “Về một địa danh tại Hà Nội “Bác Cổ”, “Cầu Thăng Long - cây cầu có nhiều cái “Nhất”, “Văn học đô thị Hà Nội 1947 - 1954”, “Khóa bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam”, “Đào tạo âm nhạc ở Hà Nội đầu thế kỷ XX”...
“Chuyện người Hà Nội” là những mảnh ký ức, là biết bao kỷ niệm gắn với mỗi cá nhân khiến người ta cứ mãi bồi hồi “đã có ai còn nhớ?”. Ấy là bãi chiếu bóng Khương Thượng của những năm 1960 từng đón hàng triệu lượt người vào xem phim, giờ “vẫn còn nguyên cổng, sân gạch, tường bao quanh...”. Ấy là ký ức Hà Nội của một người con đã xa quê về “những sáng mùa đông lạnh giá được ăn gói xôi xéo nóng hổi thơm ngát hương lá sen, là buổi tối mùa hè ran tiếng ve kêu cùng bạn bè kéo nhau lên Tràng Tiền thi ăn kem cốm...”.
Kể chuyện về người Hà Nội lại càng không thể thiếu những chân dung Hà Nội. Là các văn nghệ sĩ như nữ sĩ Ngân Giang - “Người phụ nữ đa đoan và truân chuyên đất Hà thành”, như nhạc sĩ Phạm Huy Quỹ và Phạm Huy Kỳ - “Hai người Hà Nội đầu tiên đi học âm nhạc phương Tây ở Pháp”, như tài tử Ngọc Bảo, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm... hay các nhà giáo, nhà khoa học, bác sĩ như Nguyễn Vinh Phúc, Ngô Quang Châu, Đỗ Đức Dục, Đặng Phong, Nguyễn Ngọc Thắng... Những bài viết chân dung đẫm màu ký ức không chỉ cung cấp thêm thông tin, mà còn mang lại cho độc giả biết bao cảm xúc.
Dù là viết về một người Hà Nội, dù kể câu chuyện của tác giả - một người sinh ra ở Hà Nội viết về chính tuổi thơ mình, ký ức của mình, hay là những suy nghĩ tản mạn của một người đang sống ở Hà Nội... thì mỗi bài viết, mỗi câu chuyện đều là lăng kính lấp lánh tình yêu với mảnh đất này. Và như thế, những trang sách “Chuyện người Hà Nội” sẽ còn tiếp tục được viết...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.