(HNM) - Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân Sài Gòn - Gia Định, trong đó có lực lượng Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định đã góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Tiếp bước truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh, tuổi trẻ thành phố mang tên Bác hôm nay không ngừng học tập, cống hiến, viết tiếp bản hùng ca sáng chói.
Bàn Cờ - Cứ điểm chỉ huy của cánh quân Thành đoàn
Ông Trương Minh Nhựt (sinh năm 1952), chiến sĩ biệt động, cơ sở Đảng đoàn hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên đô thị Sài Gòn từ năm 1969 đến năm 1975 cho biết, từ tháng 9-1974, phong trào đấu tranh ở vùng ven thành phố Sài Gòn - Gia Định đã sôi sục trên cả 3 mũi: Chính trị, quân sự, binh vận. Lúc này, lực lượng vũ trang của Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định có hơn 400 cán bộ, vùng ven có hơn 1.000 cán bộ. Ngoài ra, còn 1.300 cán bộ tiếp cận từ bán kính 13-14km, sẵn sàng tiến vào thành phố...
Ngày 26-4-1975, tiếng súng tấn công vào Sài Gòn của quân và dân ta rền vang từ các hướng. Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức 5 cứ điểm khởi nghĩa với 5 cánh quân tại Bàn Cờ, Phú Nhuận, quận 4, Bình Thạnh và Tân Sơn Nhì do đồng chí Trương Mỹ Lệ (Thành ủy viên Sài Gòn - Gia Định, Quyền Bí thư Thành đoàn) phụ trách. Trong 5 cánh quân trên, Bàn Cờ được chọn làm điểm chỉ huy chung của cánh quân Thành đoàn. Đội tuyên truyền với nòng cốt là cán bộ Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định, đã thực hiện may hơn 12.000 lá cờ, 159 khẩu hiệu, 48 băng rôn và hàng chục nghìn truyền đơn, áp phích...
Theo nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Bí thư Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực, ngày 29-4-1975, cả thành phố bị thiết quân luật, đường bay bị cắt, kẻ địch như nằm trong rọ. Đến sáng 30-4-1975, cả thành phố rung chuyển từng cơn bởi những quả đạn pháo của quân giải phóng dội xuống. Gần trưa, đồng chí Trương Mỹ Lệ phát lệnh khởi nghĩa của cánh quân Thành đoàn. Ngay lập tức, đường Bàn Cờ, đường Phan Thanh Giản, đường Nguyễn Thiện Thuật được đội vũ trang của Thành đoàn chiếm lĩnh, tước vũ khí của lính Sài Gòn, kêu gọi họ đầu hàng, thu gom vũ khí và treo cờ... Từ 10 giờ 30 phút trở đi, Thành đoàn hoàn toàn làm chủ khu vực Bàn Cờ.
Căn cứ Bàn Cờ cũng ghi nhận hoạt động khởi nghĩa của lực lượng học sinh, sinh viên Trường Trung học Gia Long (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai), Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký (nay là Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong), Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng)... Cánh quân Bàn Cờ như một góc thu nhỏ của lực lượng vũ trang ở nội thành, phối hợp chặt chẽ với 5 cánh quân của bộ đội chủ lực, góp phần đưa đến thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Tiếp bước truyền thống, xây dựng thành phố giàu mạnh
Tiếp bước truyền thống cha anh, lớp thanh niên trẻ của thành phố mang tên Bác hôm nay đang chung tay xây dựng thành phố. Sau 46 năm giải phóng, 35 năm đổi mới, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã giữ mức tăng trưởng bình quân 9,3%/năm (1986-2020), cao hơn 1,4 lần bình quân của cả nước (6,54%/năm). Doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư trẻ đã tạo nên “một làn gió mới” cho sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lê Quang Lộc Nguyễn Tri Quang cho biết, các thế hệ cha anh đã chiến đấu vì nền hòa bình, tạo nền tảng phát triển cho đất nước. Thành phố Hồ Chí Minh nay là đầu tàu kinh tế của cả nước, là nơi để các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ tiếp nối truyền thống thế hệ cha anh, khẳng định bản thân, ra sức phấn đấu giành thắng lợi vẻ vang trên mặt trận kinh tế, làm giàu cho thành phố, cho đất nước. Còn Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc, Bí thư Chi đoàn Khối Văn phòng (Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh) Vũ Chí Kiên, công dân trẻ tiêu biểu thành phố năm 2020 chia sẻ: “Tôi và các đồng nghiệp không ngừng trau dồi, học hỏi để tìm kiếm những giải pháp, công nghệ mới, phục vụ cho sự phát triển của thành phố”.
Trong lúc dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhiều đoàn viên, thanh niên thành phố Hồ Chí Minh tích cực vào cuộc, chung sức phòng, chống dịch bệnh như: Tổ chức các đội phản ứng nhanh, hỗ trợ các chốt phong tỏa, cùng lực lượng chức năng rà soát, phát hiện các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh nhiễm Covid-19, đóng góp, ủng hộ tiền, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch...
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thế hệ trẻ thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo. “Với tinh thần chống dịch như chống giặc, cùng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên, chắc chắn thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng cả nước chiến thắng được dịch Covid-19, đưa kinh tế vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.