(HNM) - Sau những dấu mốc đáng nhớ như Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, kỷ niệm 40 năm Chiến thắng
Đã 60 năm kể từ ngày "năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về" giải phóng Thủ đô; Hà Nội hôm nay đã thực sự đứng trên một tầm cao mới, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng là biểu tượng về trí tuệ, bản lĩnh và nhân văn của đất nước Việt Nam; xứng đáng với danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình" do UNESCO trao tặng cho Thủ đô duy nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương suốt 15 năm qua.
Hà Nội hiện đại và phát triển. Ảnh: Lê Huy |
Nhìn lại 365 ngày của năm 2014 mới thấy Thủ đô và đất nước đã phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Kinh tế thế giới và khu vực hồi phục chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro do chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao; lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại; cân đối thu chi tiếp tục khó khăn; việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế; hoạt động của phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa "qua cơn bĩ cực"… Đặc biệt, đầu tháng 5-2014, sự việc Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) tại vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - đơn phương vi phạm thỏa thuận cấp cao hai nước về những nguyên tắc cơ bản để giải quyết vấn đề trên biển, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các thỏa thuận giữa ASEAN - Trung Quốc (DOC) - đã đe dọa nghiêm trọng đến môi trường hòa bình, ổn định và tác động tiêu cực tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Nói như Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, điểm lại bối cảnh đó để thấy hết ý nghĩa, giá trị to lớn của những việc Thủ đô và đất nước đã làm được. Cụ thể điều đó là gì? Theo dự kiến ban đầu, tăng trưởng GDP của cả nước ước đạt 5,8% đã là quá tốt thì chốt vào thời điểm cuối, con số đó chỉ còn thiếu "hai phần nghìn" là đầy 6%. Và trong đó sự đóng góp của Hà Nội vẫn duy trì được mức tăng trên 1,5 lần so với cả nước, đạt khoảng 8,8%. Còn nhớ, năm 2013, sát dịp cuối năm thành phố vẫn còn nỗi lo canh cánh khi có khả năng Hà Nội lần đầu tiên đối mặt với hoàn cảnh hụt thu ngân sách (chỉ đạt gần 86% dự toán), vậy mà những ngày cuối cùng chúng ta đã "vượt vũ môn" hoàn hảo với mức thu đạt 150.200 tỷ đồng, bằng 100,3% dự toán. Năm 2014, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có gần 68.000 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động, trong đó có số lượng không nhỏ các doanh nghiệp thuộc địa bàn Hà Nội - trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Tuy nhiên, tổng thu ngân sách cả năm của thành phố vẫn đạt 103,1% dự toán. Đặc biệt, chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội giữ vị trí thứ 5/63 địa phương trong cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh của Thủ đô tăng 18 bậc so với năm 2013, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố; đầu tư nước ngoài vào địa bàn Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Hồng với hơn 3.000 dự án và hơn 23 tỷ USD vốn đầu tư; 110 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chiếm 1/4 số xã nông thôn mới của cả nước…
Đại lộ Võ Nguyên Giáp, một trong những công trình trọng điểm trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn |
Vẫn biết thực tại về những con số bao giờ cũng khô khan, nhưng phía sau đó, để có được kết quả này là hàng loạt dẫn chứng sôi động trong thực tế cuộc sống, từ sự trăn trở trong tư duy đến giải pháp, cách làm linh hoạt, năng động và sáng tạo. Điều đó khó có thể diễn tả đầy đủ, nhưng ấy chính là cơ sở để chúng ta có được thành công sau này. Ví như, "khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần" cho ngày giải phóng Thủ đô của 60 năm trước, hay đã hơn 40 năm quân và dân Hà Nội làm nên kỳ tích "Điện Biên Phủ trên không", có những vấn đề, câu chuyện, con người mà hàng chục năm sau đó lịch sử mới có thể làm sáng tỏ vai trò và sự đóng góp làm nên chiến thắng. Tuy nhiên, để Hà Nội có được kết quả nêu trên, có một vấn đề ai cũng có thể nhận ra, đó là tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu dành cho mảnh đất nghìn năm văn hiến của người Hà Nội và những người con khắp mọi miền đất nước hoặc đang hướng về hoặc đang từng giờ từng phút đóng góp, cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Điều đó đã tạo nên sức mạnh để Hà Nội tư duy, hành động và tỉnh táo vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, thách thức. Từ Hà Nội, nhìn rộng ra, đó cũng chính là sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh để dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua mọi nguy biến, khẳng định với bè bạn quốc tế về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như về khát vọng hòa bình, dựng xây đất nước.
Biết bao thế hệ đi trước đã không tiếc xương máu để Thủ đô và đất nước có được thành quả hôm nay. Và chính những con dân nước Việt dù đang sinh sống ở Hà Nội hay trên khắp mọi miền của Tổ quốc đang kế thừa truyền thống để viết tiếp bản hùng ca đó. Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, cầu Vĩnh Thịnh, Đại lộ Võ Nguyên Giáp, Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài… không chỉ góp phần cải thiện và từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông của Thủ đô mà còn là nền tảng định hình cho một thành phố văn minh, hiện đại trong tương lai. Không chỉ về cơ sở vật chất, những thứ có thể nhìn thấy và định lượng được giá trị, việc xây dựng con người với những phẩm chất, nét văn hóa được chọn lọc, kế thừa, hội tụ, kết tinh thành đặc trưng của mảnh đất nghìn năm văn hiến cũng được đặc biệt chú trọng. Điều đó được thể hiện ngay từ cách tư duy, phương pháp làm việc, thái độ ứng xử với người dân của đội ngũ công bộc cho tới việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa, văn hiến; cải thiện và nâng cao các điều kiện an sinh xã hội; đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và đất nước…
Dù ở nơi này, nơi khác, công trình nọ, dự án kia… trên địa bàn Thủ đô vẫn còn những bất cập cần điều chỉnh, rồi những vấn đề cần tham khảo ý kiến đóng góp của các tầng lớp trong xã hội, song những thành tựu Thủ đô đạt được trong năm 2014 nói riêng cũng như chặng đường 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành nói chung là không thể phủ nhận. Một vài ý kiến lạc lõng, trái chiều, một vài chục con người bày tỏ quan điểm khác biệt với mục tiêu phấn đấu cho lợi ích chung của Thủ đô và đất nước không thể coi là đối trọng, là lực cản đối với quy luật, sự vận động và tiến trình phát triển. Chân lý ấy đã được khẳng định qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Đó cũng chính là hành trang để Hà Nội cùng cả nước viết tiếp bản hùng ca trong năm 2015 - một năm đầy ắp những sự kiện trọng đại của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.