(HNM) - Nhà báo, nhà văn Kiều Bích Hậu vừa ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn mới nhất của chị mang tên
- Hiện thực huyền ảo hẳn phải có lợi thế gì đó khiến chị sử dụng ở đa phần truyện ngắn trong tác phẩm "Quán chuột" của mình vừa ra mắt?
- Điều đó là rất tự nhiên, từ trong bản chất, chứ tôi không chủ định bắt mình viết theo thể loại huyền ảo. Nó cho phép tôi đi quá giới hạn của hiện thực để phiêu du, khám phá xem sức tưởng tượng có thể đưa mình tới đâu. Tôi luôn tò mò với chính mình.
Nhà văn Kiều Bích Hậu (sinh năm 1972) hiện là Thư ký tòa soạn Tạp chí Dệt May - Thời trang Việt Nam. Chị đã có nhiều truyện ngắn đoạt giải thưởng các cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn nghệ; Truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Tác phẩm tuổi xanh. |
- Nhiều vấn đề đặt ra trong truyện ngắn của chị: Môi trường, nhân tính, những phận người nhỏ bé... Phía sau tất cả những câu chuyện ấy, theo chị điều gì ở con người đương đại mà văn chương cần chạm tới?
- Đó là sự phát triển của con người. Chúng ta cứ cố gắng, cố gắng để phát triển tận lực hướng tới sự siêu việt, hay sẽ biến mất? Con người sẽ đi tới đâu? Phía sau mọi câu chuyện, văn chương luôn cần tìm ra "bệnh tinh thần" của con người đương đại ở muôn vàn cách biểu hiện khác nhau, làm sao chữa lành căn bệnh ấy và tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Một cuộc sống đẹp mà chúng ta có thể có, nhưng không tìm thấy.
- "Quán chuột" là truyện ngắn hiện thực huyền ảo đặc biệt dữ dội song cũng như một số truyện ngắn khác của chị nó đều phảng phất "tính nữ", cái chất đàn bà dễ giận, dễ tha thứ và không giấu đi đâu được sự nhân hậu bẩm sinh của mình?
- Trước hết tôi là phụ nữ, tôi nhìn mọi sự bằng con mắt phụ nữ, người mẹ. Trên tất cả là yêu thương. Mâu thuẫn nào cũng sẽ được giải quyết bằng yêu thương. Một xung đột trong một gia đình, tới hai quốc gia, hay các lực lượng chính trị, dù nhỏ bé hay to tát tới đâu, phức tạp tới đâu, hóa ra lại có thể hóa giải bằng tình yêu và sự thông cảm. Cực kỳ đơn giản như vậy, nhưng con người lại không ngừng phức tạp hóa nó lên.
- Những chuyện như "Chị Bé và Kitô" lại là một lát cắt về kiếp người nhỏ nhoi - thật lạ mà cũng thật xúc động. Nó vừa buồn bã vừa đẹp. Hình như văn chương thời nào cũng thế, khai thác mãi cũng không hết vẻ đẹp từ những phận người như vậy?
- Vẻ đẹp ấy nuôi dưỡng tâm hồn để chúng ta sống được ở bất cứ thời nào. Việc của những người cầm bút là nhìn ra vẻ đẹp ấy từ mọi góc, trong mọi vỏ bọc và dâng cho bạn đọc.
- Là nhà báo, đi nhiều, viết nhiều bút ký, văn chương mang lại cho chị điều gì khác biệt?
- Việc viết với tôi như hít thở vậy. Nếu không viết tôi không sống được. Dù có lúc viết vô cùng khó khăn. Viết xong thấy mình quá dở, quá tầm thường... Viết thật khắc nghiệt, nhưng mà tôi yêu nó!
- Chị thường bắt đầu truyện ngắn như thế nào? Từ một nhân vật ám ảnh, một ý tứ sâu sắc hay một thủ pháp mới lạ?
- Bất cứ một thứ nào trong số bạn nói hoặc ngoài số đó rơi vào tâm trí tôi mà neo lại, thì tôi bắt đầu suy nghĩ, tóm chặt nó và bắt đầu "nuôi nấng" nó, đặt bao nhiêu câu hỏi, ra bao nhiêu tình huống cho nó, thử thách nó, để nó bắt đầu sống.
- Chị lại đang khởi động một cuốn tiểu thuyết mới? Nó sẽ tập trung nói về điều gì?
- Nó đặt con người trước một thử thách khác, không là thảm họa thiên nhiên, chiến tranh, hay cướp bóc, mà là sự biến đổi ngẫu nhiên của bộ mã gen. Con người làm thế nào để chấp nhận điều này, chấp nhận sự khác biệt khủng khiếp của một người trong số chúng ta. Đó là cuộc đuổi bắt và trốn chạy vì sự khác biệt, nhưng thực ra lại là câu chuyện ẩn dụ về sự nỗ lực của con người trong việc chấp nhận và yêu thương.
- Chân thành cảm ơn chị!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.