(HNM)- Mỗi người con đất Việt từ châu thổ sông Hồng đến đồng bằng Cửu Long và những vùng cao nguyên, đồi núi hay hải đảo, thậm chí sinh sống cách dải đất hình chữ S này tới nửa vòng trái đất đều rất tự hào: Hôm nay, ngày Tết Độc lập lần thứ 65 của dân tộc.
Sau 65 năm độc lập, giờ đây, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên bản đồ thế giới. Lá cờ đỏ sao vàng đang kiêu hãnh tung bay tại trụ sở Liên hợp quốc, dấu ấn Việt Nam in đậm trong mái nhà ASEAN, cái tên Việt Nam trở thành một thực thể quan trọng trong hợp tác APEC, ASEM. Hình ảnh Giáo sư trẻ tuổi Ngô Bảo Châu vừa nhận Giải thưởng Fields, giải thưởng danh giá được ví như Nobel của toán học, tại Ấn Độ còn đọng trong tâm trí của nhiều người... Tất cả đã phác lên chân dung đất nước và con người Việt Nam hôm nay.
Trong niềm vui của ngày Độc lập 2-9, nhìn lại chặng đường đã qua, mỗi người Việt Nam đều tự hào về những thành tựu đất nước đã đạt được. Thời kỳ chiến tranh, chúng ta đã khẳng định với thế giới hình ảnh về một đất nước yêu chuộng hòa bình; góp phần tạo nên một phong trào quốc tế rộng lớn chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, góp phần đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của chúng ta tại Hội nghị Gieneva năm 1954 và Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973 là những mốc son chói lọi của Việt Nam trên mặt trận đối ngoại.
Bước sang thời kỳ cả nước thống nhất xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, chúng ta đã phá thế bao vây, cấm vận; mở rộng và đưa quan hệ với các nước từng bước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sau 25 năm thực hiện đổi mới, chưa bao giờ sự giao lưu và hợp tác quốc tế của đất nước ta lại diễn ra sôi động và ngày càng hiệu quả như ngày nay. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 179 nước; có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, chúng ta có quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước lớn, các trung tâm kinh tế, chính trị lớn trên thế giới. Quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng khu vực, các nước bạn bè ở khắp năm châu ngày càng được củng cố, phát triển và đi vào chiều sâu. Việt Nam đã lập 90 cơ quan đại diện tại nước ngoài, trong đó có 65 sứ quán, 20 tổng lãnh sự quán, 4 phái đoàn thường trực và 1 văn phòng kinh tế - văn hóa. Việt Nam đang là thành viên tích cực của gần 70 tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có những tổ chức quan trọng như Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Cộng đồng Pháp ngữ, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Á - Âu (ASEM)… Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn; tích cực tham dự và có đóng góp thực chất cho nhiều cơ chế, diễn đàn hợp tác khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, chúng ta vừa đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 và hiện đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA) với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Vị thế quốc tế của đất nước trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Giờ đây, thế giới đến với Việt Nam không chỉ vì nhân dân Việt Nam đã từng dũng cảm đấu tranh giành độc lập - tự do, mà còn vì một Việt Nam đã và đang quyết tâm đổi mới - đổi mới thành công và có những đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Ngày nay, thế giới hướng về Việt Nam như là một điểm sáng trong bức tranh tổng quan khá ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu. Hôm nay, con tàu Việt Nam đã vượt qua các cơn sóng dữ. Nhiều chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước tin tưởng vào khả năng đạt mức tăng trưởng GDP của Việt Nam 6,5% trong năm 2010, đúng như mục tiêu kế hoạch Chính phủ đặt ra cho năm cuối cùng của kế hoạch 2006-2010 dù nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch khác, như tăng trưởng xuất khẩu 6%; vốn đầu tư phát triển ở mức 41,5% GDP; CPI kiềm chế dưới 7%; giải quyết việc làm cho 1,6 lao động... là hoàn toàn có thể. Giám đốc khu vực Việt Nam của Ngân hàng UOB (Singapore), ông Thng Tien Tat, mới đây đã nhận định, hiện nay, các tập đoàn đa quốc gia trên khắp thế giới đều xem Việt Nam như một địa chỉ đầu tư đáng tin cậy và nhiều tiềm năng. Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi như chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào, tốc độ tăng GDP hằng năm thuộc loại cao trên thế giới cùng một thị trường tiêu thụ rộng lớn với hơn 83 triệu dân... Nền kinh tế Việt Nam như một con hổ đang vươn mình tiến về phía trước, trong đó, lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang phát triển rất năng động.
Phát triển kinh tế xã hội suy cho cùng cũng là để bảo đảm quyền con người. Việt Nam đã, đang khẳng định điều đó. Không phải ngẫu nhiên, trong chuyến thăm Việt Nam mới đây (từ ngày 23 đến 31-8), bà Magdalena Sepulveda, Chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc về nhân quyền và đói nghèo, đã bày tỏ rằng, với một xuất phát điểm thấp và điều kiện tự nhiên, khí hậu khó khăn, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về xóa đói giảm nghèo...
Những thành tựu đạt được càng khẳng định tính đúng đắn trong các quyết sách của Đảng và Nhà nước ta: hợp lòng dân, hòa được cùng xu thế của thời đại. Niềm vui nhân lên gấp bội trong dịp 2-9 lịch sử này. Đó sẽ là tiền đề quan trọng để cả nước thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.