(HNM) - Trong bối cảnh các thách thức an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống ngày càng gia tăng, năm 2022, Việt Nam vẫn ghi dấu ấn mạnh mẽ bằng những kết quả đáng tự hào trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Công tác đối ngoại đã và đang góp phần quan trọng củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam và từng bước khẳng định uy tín trên trường quốc tế.
Đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng
Tình hình thế giới, khu vực có nhiều chuyển biến lớn, phức tạp hơn so với năm 2021, khó khăn và thuận lợi đan xen. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại rõ rệt; đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, song vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại; xung đột tại Ukraine đã ảnh hưởng sâu sắc đến hòa bình, ổn định, phục hồi kinh tế; quan hệ giữa các nước lớn bước vào giai đoạn đối đầu, căng thẳng mới.
Trong bối cảnh như vậy, công tác đối ngoại của Việt Nam vẫn tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các trụ cột đối ngoại, từ trung ương tới địa phương, nhằm đạt được sự thống nhất trong nhận thức và hành động để đối ngoại tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Điều này đã được thể hiện qua sự hiện diện của tiếng nói Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế và khu vực quan trọng như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU… Vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng cao khi ngày 11-10-2022 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu 14 quốc gia, trong đó có Việt Nam, làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đã có những phát triển mạnh mẽ theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, tăng cường tin cậy chính trị, đan xen lợi ích, nhất là với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Các hoạt động ngoại giao của Việt Nam năm 2022 được lên kế hoạch và thực hiện bài bản khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần lượt có các chuyến công du nước ngoài, từ các diễn đàn đa phương đến các đối tác và bạn bè truyền thống như Trung Quốc, Campuchia, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Philippines, Australia, New Zealand...
Đặc biệt chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hồi cuối tháng 10-2022 đã thành công tốt đẹp, góp phần tích cực trong việc phát huy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong thời đại mới, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Thành công của ngoại giao vắc xin thúc đẩy ngoại giao kinh tế
Tại Hội nghị tổng kết công tác “Ngoại giao vắc xin - Bài học kinh nghiệm để thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vắc xin trong bối cảnh nguồn cung vắc xin hạn chế, tiếp cận vắc xin rất khó khăn.
Thành công của công tác ngoại giao vắc xin có ý nghĩa chiến lược về nhiều mặt, khẳng định tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, luôn đặt lợi ích, sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân lên trên hết. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để chúng ta chuyển sang phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Và đó là cách thức hữu hiệu truyền tải hình ảnh một đất nước Việt Nam kiên cường, ý chí, đoàn kết, tương thân tương ái, khẳng định những “sức mạnh mềm” của dân tộc được bạn bè quốc tế nể phục.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dần đi qua, xu hướng mở cửa trở lại của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trước khát vọng phục hồi mãnh liệt của đất nước, công tác ngoại giao kinh tế đã góp phần hiện thực hóa sứ mệnh “bứt tốc” thể hiện bằng nhiều kết quả thực chất, nổi bật trong năm 2022. Những dấu ấn của ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế được thể hiện rõ nét trong các chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi Singapore (từ 24 đến 26-2-2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm và làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc (từ 11 đến 17-5-2022), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hungary, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (từ 26 đến 30-6-2022)…
Riêng tại chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chứng kiến 25 thỏa thuận được ký kết và trao đổi giữa doanh nghiệp hai nước. Đặc biệt, chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU (từ 12 đến 15-12-2022) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng; góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế", Chỉ thị 25-CT/TƯ của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030", Chỉ thị 15-CT/TƯ của Ban Bí thư về "Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, thời gian qua, ngành Ngoại giao Việt Nam thực sự là lực lượng xung kích trên mặt trận đối ngoại; đạt nhiều thành tựu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật, góp phần làm cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó cũng là động lực để những người làm công tác đối ngoại của Việt Nam trong những năm tới tập trung mọi nỗ lực, bản lĩnh và sự linh hoạt, sáng tạo, tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.