Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, xử lý chất thải

Hoàng Văn| 13/12/2022 18:45

(HNMO) - Ngày 13-12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý chất thải và 3R, tham vấn ý kiến đối với dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt và Quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Các đại biểu dự hội nghị.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết, trong năm qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung, quản lý chất thải nói riêng của Việt Nam đã có những bước chuyển biến đáng kể. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến công tác quản lý, xử lý chất thải như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thay đổi căn cứ xác định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng cách căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Mặt khác, Luật cũng quy định rõ về việc triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn theo các nhóm chất thải được thực hiện tại tất cả các địa phương, việc phân loại rác cũng là cơ sở để tính giá dịch vụ cho từng nhóm chất thải được phân loại khác nhau. Chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại phải chứa đựng trong các bao bì nhất định để làm cơ sở quản lý việc phân loại và thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản cho biết, từ khi thành lập, Ủy ban hỗn hợp đã trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến quản lý chất thải, góp phần giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường định hình, xây dựng chính sách về quản lý chất thải tại Việt Nam cũng như các hoạt động hợp tác tại các địa phương.

Đồng thời, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản hy vọng, thời gian tới, Ủy ban hỗn hợp tiếp tục phát huy vai trò và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong quản lý, xử lý chất thải.

Các chuyên gia Nhật Bản cũng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống thu giá dịch vụ theo lượng thải và cách xác định giá dịch vụ xử lý. Cụ thể, tại Nhật Bản đã thực thi 2 phương án thu giá dịch vụ. Người dân phải mua túi trả trước để đựng rác, giá túi đã bao gồm giá dịch vụ xử lý rác đựng trong túi. Tem trả trước sẽ được dính vào túi ni lông hoặc dán trực tiếp lên chất thải cồng kềnh.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể nghiên cứu thu giá dịch vụ xử lý chất thải tính theo thể tích và túi; giá túi tùy thuộc vào kích thước của túi nhưng cũng cần nghiên cứu thêm về phương án phân phối và thu hồi chi phí phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, xử lý chất thải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.