Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025: Tất cả vì quyền con người

Hoàng Linh| 03/02/2023 07:04

(HNM) - Ngày 11-10-2022, tại trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam. Nấc thang mới này trên hành trình không mệt mỏi vì quyền con người đã cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, đồng thời chính là minh chứng khẳng định rõ ràng rằng, vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế đang không ngừng được củng cố, nâng cao.

Bước tiến mới trong nỗ lực vì quyền con người

Việt Nam là ứng viên duy nhất được các thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Như thế, việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên hợp quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, rõ ràng đã thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25-CT/TƯ của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Việt Nam nhận trọng trách giữa lúc thế giới hiện ở thời điểm quan trọng, tồn tại nhiều vấn đề toàn cầu có tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống. Suốt một thời gian dài, đại dịch Covid-19 không chỉ tác động về kinh tế mà còn làm gia tăng những chia rẽ và bất bình đẳng, xóa bỏ thành tựu phát triển của thế giới nhiều năm trước đó. Bạo lực và xung đột vũ trang tiếp tục nổ ra và diễn biến phức tạp, không chỉ đe dọa hòa bình, an ninh và phát triển mà còn làm xói mòn khả năng phục hồi mạnh mẽ và bền vững của kinh tế thế giới. Trong khi đó, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường tiếp tục thách thức, tác động tiêu cực tới mọi quốc gia, mọi dân tộc.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, giữa muôn vàn khó khăn, nhân loại đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có để định hình tương lai tốt đẹp nhờ tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các tiến bộ này sẽ giúp nhân loại tăng cường kết nối với nhau, tăng cường hiểu biết, đối thoại và hợp tác để giải quyết các vấn đề chung. Nhân loại cũng cần vận dụng những tiến bộ đó để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam, điều quan trọng là khi tận dụng cơ hội đó cần phải bảo đảm sự bình đẳng và “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Trong bối cảnh đó, với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người - cho tất cả mọi người”, nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền 3 năm sắp tới sẽ là giai đoạn Việt Nam đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới - là một trong 3 nhiệm vụ trụ cột của Liên hợp quốc.

Khẳng định vị thế giữa khó khăn chung

Thực tế, việc trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là một nấc thang mới trong tiến trình phấn đấu mang lại những giá trị cho người dân nước mình, tương đồng với những giá trị Liên hợp quốc cam kết mang lại cho nhân loại. Việc lấy người dân là trung tâm, là động lực của phát triển chính là chủ trương xuyên suốt của Việt Nam. Cách tiếp cận tổng thể, cân bằng đó đã giúp Đảng, Nhà nước ta vượt qua nhiều thách thức, đạt được thành tựu phát triển về mọi mặt, mà mới đây nhất là vững vàng vượt qua sóng gió đại dịch Covid-19, để giờ đây sẵn sàng bước vào giai đoạn phục hồi xanh, bao trùm. Trong 13 năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực, trách nhiệm tại Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (Cơ chế UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Trong đó, việc tỷ lệ chấp thuận và thực hiện khuyến nghị cao dần đều qua 3 chu kỳ chứng tỏ năng lực về thể chế, nguồn lực và tài chính tại Việt Nam ngày càng được nâng cao và mở rộng.

Cùng với đó, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ khi cơ quan này được thành lập. Nước ta đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Trong suốt nhiều năm, Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…).

Việt Nam còn là đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế. Việt Nam đã có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trên những vấn đề còn khác biệt, như quyền sức khỏe sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tình dục…

Việt Nam cũng không ngừng thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp công việc nội bộ các nước.

Hành trình hướng về tương lai tốt đẹp hơn

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thúc đẩy các ưu tiên đã được xác định khi tham gia Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại và hợp tác, nhất là về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu. Điều này không chỉ góp phần giải quyết những quan tâm chung, cấp bách của nhân loại mà còn giúp mở ra những cơ hội chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, giúp cho người dân Việt Nam được thụ hưởng các quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn.

Đúng với nguyên tắc và những quan điểm nhất quán nhiều năm qua, Việt Nam sẽ luôn sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để thúc đẩy các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Song song với đó là quan tâm đến việc bảo đảm quyền con người một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh, đặc biệt ưu tiên bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới; bảo đảm quyền con người trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam cũng sẽ ưu tiên thúc đẩy quyền sức khỏe trong bối cảnh phòng, chống đại dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm, quyền được có việc làm tử tế gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển Liên hợp quốc (SDGs), quyền giáo dục có chất lượng dựa trên công bằng về cơ hội và tiếp cận.

Việt Nam - trên mọi chặng đường phát triển của mình - đã và sẽ luôn là một điểm sáng về những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung được thụ hưởng đầy đủ quyền con người. Tiến trình này là cơ sở để Việt Nam khẳng định vai trò luôn là đối tác chân thành, tin cậy, trách nhiệm, luôn nỗ lực đóng góp hết sức vào công việc chung của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025: Tất cả vì quyền con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.