Hiện nay, Việt Nam đã dần tích cực hơn trong nỗ lực giải quyết bạo lực giới và xây dựng những khung chính sách để xử lý vấn đề này.
Các chuyên gia quốc tế về vấn đề bình đẳng giới đã có chung đánh giá trên trong buổi hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về chiến lược, phương pháp và bộ công cụ phòng chống bạo lực giới sử dụng trong trường học, khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” diễn ra ngày 9/8 ở Hà Nội.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để phòng, chống bạo lực giới và thực thi các đạo luật hiện có nhằm ngăn chặn tình trạng này.
Các chuyên gia khuyến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam cần có một tầm nhìn rộng lớn, vượt ra ngoài vấn đề trọng tâm là bạo lực gia đình để khắc phục bạo lực giới ở mọi hình thức; cần phải thuyết phục nam giới và trẻ em trai chấp nhận vai trò của họ trong việc ngăn chặn bạo lực cũng như bảo vệ và tôn trọng phụ nữ. Các nhà quản lý phải thực hiện những dịch vụ tối thiểu, trong đó có sáng kiến và dịch vụ dành cho các nạn nhân của bạo lực cũng như những thủ phạm gây bạo lực. Các ngành, các cấp, cộng đồng, gia đình cần có sự phối hợp tốt hơn để ngăn chặn và khắc phục tình trạng bạo lực.
Nhấn mạnh về vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục ở Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Hà Thị Dung cho biết những năm gần đây, ở Việt Nam tình hình nhận thức của xã hội về bình đẳng giới đã có chuyển biến tích cực, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã dần được khắc phục, gia đình và xã hội đã quan tâm nhiều hơn và tạo điều kiện cho cả trẻ em trai và trẻ em gái đến trường.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ biết chữ của phụ nữ từ 10 tuổi trở lên đạt mức cao so với các nước trong khu vực, tăng từ 86,46% (năm 2000) lên 89,3% (năm 2002), 90,2% (năm 2004), 90,5% (năm 2006 và 2008).
Nhằm tiến hành bình đẳng giới trong giáo dục ở Việt Nam trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên Hà Thị Dung đề xuất một số giải pháp như các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục nói riêng; hoàn thiện cơ sở pháp lý thông qua việc nghiên cứu, ban hành chiến lược, chính sách và mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; kiện toàn bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới tại các cơ sở giáo dục; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược về bình đẳng giới.
Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về chiến lược, phương pháp và bộ công cụ phòng chống bạo lực giới sử dụng trong trường học, khu vực châu Á-Thái Bình Dương” do Tổ chức Hòa bình và Phát triển Tây Ban Nha (PyD) phối hợp với Chương trình chung của Liên hợp quốc về phòng chống bạo lực giới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương tổ chức với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia giáo dục, nhà thực hành về bình đẳng giới, một số tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo Điều phối viên khu vực châu Á thuộc PyD, bà Yolanda Martinnez và Điều phối viên của Chương trình đối tác trong công tác phòng chống bạo lực (Liên hợp quốc), ông James Lang đều cho rằng bạo lực trên cơ sở giới hay bạo lực giới là một vấn đề mang tính toàn cầu. Nó xảy ra ở mọi xã hội và dưới nhiều hình thức như bạo lực gia đình tấn công và cưỡng bức tình dục, buôn bán phữ, quấy rối tình dục trong trường học, nơi làm việc. Mặc dù nam giới và trẻ em trai cũng bị ảnh hưởng, nhưng phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng chính phải chịu đựng bạo lực giới.
Hai điều phối viên cũng cho rằng tuy chưa thể đo lường được hết khó khăn do nạn bạo lực gây ra, nhưng chúng ta đã biết cái giá quá lớn phải trả về mặt sức khỏe, thiệt hại về tài sản, mất mát về thu nhập và đổ vỡ gia đình. Con số ước tính của các nước đang phát triển và các nước phát triển cho thấy cái giá này có thể lên đến hàng chục tỷ đôla mỗi năm ở mỗi quốc gia, thậm chí có thể nhiều hơn nữa. Đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy bạo lực gây thiệt hại to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế cũng như phát triển con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.